Quy định về hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất? Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất?
Đất đai theo như luật định thì tuộc quyền sở hữu của toàn dân nhưng lại do nhà nước đại diện quản lý. Cũng chính vì điều này mà đối với mỗi chủ thể khi được nhà nước giao đất để sử dụng kèm theo đó là những quyền và nghĩa vụ đi kèm trong hoạt động này. Đối với chủ thể được giao đất là hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất cũng không ngoại lệ khi được nhà nước giao đất cũng có quyền và thực hiện nghĩa vụ cả mình đối với đất được Nhà nước giao đó như có quyền sử dụng, chuyển nhượng, cho thuê,… hay nghĩa vụ trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, trả tiền thuê đất mỗi năm một lần trong thời gian thuê đất, … Nhưng không phải hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nào cũng nắm bắt và hiểu biết hết về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất được nhà nước giao của mình. Vì vậy, mà bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ giải đáp về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Mời quý bạn đọc theo dõi!
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
– Luật Đất đai năm 2013;
1. Quy định về hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất
Theo như quy định tại Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì hộ gia đình được định nghĩa như sau: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Nhưng định nghĩa này đến Bộ luật Dân sự năm 2015 thì định nghĩa hộ gia đình đã không còn tồn tại, thay vào đó là quy định: Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Như vậy, Bộ luật Dân sự hiện hành đã trao toàn bộ quyền xác định tư cách pháp lý của hộ gia đình trong các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất cho Luật Đất đai. Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Đất đai 2013 thì hộ gia đình là “người sử dụng đất” trong nước.
– Quyền sử dụng đất của hộ gia đình là tài sản chung của hộ gia đình (Khoản 1 Điều 102 Bộ luật Dân sự 2015).
Bên cạnh quy định về quyền sử dụng đất của hộ gia đình trong Bộ luật Dân sự 2015 thì theo Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Với quy định trên có thể hiểu, để được xác định tư cách thành viên trong hộ gia đình và có chung quyền sử dụng đất thì các thành viên của hộ cần thỏa mãn ba điều kiện sau:
– Theo như quy định tại Khoản 1 Điều 3
– Theo như từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, Chủ biên: GS Hoàng Phê, NXB Hồng Đức năm 2018 thì khái niệm về huyết thống là dòng họ, về mặt máu mủ giữa các thành viên với nhau;
– Cũng theo từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, Chủ biên: GS Hoàng Phê, NXB Hồng Đức năm 2018 thì khái niệm nuôi dưỡng là được coi như người ruột thịt, tuy không có quan hệ dòng máu
So với khái niệm hộ gia đình đã được nêu ở trên thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Đất đai 2013 cá nhân sử dụng đất được biết đến là “người sử dụng đất” trong nước.
Như vậy, từ hai khái niệm trên thì hộ giá đình, cá nhân sử dụng đất đều có quyền sử dụng đất. Ngoài ra, thì đối với hộ gia đình bên cạnh quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
2. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được quy định phụ thuộc vào hình thức sử dụng đất của hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất. Theo quy định của Luật đất đai 2013, hình thức thuê đất của các chủ thể trong nước trong đó có hộ gia đình, cá nhân đã được mở rộng theo hai hình thức đó là: Trả tiền thuê đất hàng năm và trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê khi Nhà nước giao đất. Vì vậy, nhóm quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân cũng có sự thay đổi. Chính vì thế mà Luật đất đai 2013 quy định quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất căn cứ theo hình thức sử dụng đất và được phân loại như sau:
Thứ nhất, Quyền và nghĩa vụ của nhóm Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế. Đây là nhóm chủ thể có các quyền năng mở rộng nhất, ngoài những quyền và nghĩa vụ chung theo quy định tại Điều 166 và Điều 170 Luật đất đai 2013 thì chủ thể hộ gia đình và cá nhân còn có đầy đủ các quyền năng được pháp luật hiện hành quy định trong việc:
– Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác;
– Chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
– Cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thuê quyền sử dụng đất;
– Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Không những thế mà hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong trường hợp hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kí theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật đất đai 2013 thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật đất đai 2013 thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó;
Ngoài gia thì cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất còn được thực hiện việc thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam và tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật; cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất còn có quyền tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật đất đai 2013; tặng cho quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật đất đai 2013; Bên cạnh các quyền nêu ở trên thì cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất còn được Nhà nước và pháp luật đất đai hiện hành quy định về quyền của mình bằng việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh; Trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án thì có quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai, Nhóm hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm. Ngoài những quyền và nghĩa vụ chung theo quy định tại Điều 166 và Điều 170 Luật đất đai 2013; khác với nhóm trên, nhóm chủ thể này không được thực hiện những giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất, mà chỉ được định đoạt tài sản có trên đất như:
– Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất được bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;
– Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không được thực hiện những giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất, mà chỉ được định đoạt tài sản có trên đất để thừa kế, tặng cho tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người nhận thừa kế, người được tặng cho tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;
– Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không được thực hiện những giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất, mà chỉ được định đoạt tài sản có trên đất trong việc cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê theo quy, định của pháp luật về dân sự;
– Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không được thực hiện những giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất, mà chỉ được định đoạt tài sản có trên đất khi thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;
– Ngoài ra thì việc góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê trong thời hạn thuê đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định.
Thứ ba, Nhóm hộ gia đình, cá nhân thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất thì có các quyền và nghĩa vụ theo hai trường hợp:
– Trường hợp thuê đất, thuê lại đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì có quyền và nghĩa vụ giống như nhóm (i) nêu trên (được thực hiện các giao dịch dân sự về quyền sử đụng đất);
– Trường hợp thuê đất, thuê lại đất trả tiền thuê đất hàng năm thì có quyền và nghĩa vụ giống như nhóm (ii) nêu trên (chỉ được định đoạt tài sản có trên đất).
Trên đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình cá nhân sử dụng đất theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật về hộ gia đình cá nhân sử dụng đất khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!