Kinh phí cưỡng chế thu hồi đất? Chi phí cưỡng chế thu hồi đất do chủ thể nào chịu? Lập dự toán, sử dụng kinh phí cưỡng chế thu hồi đất?
Cưỡng chế thu hồi đất là thủ tục được tiến hành khi chủ thể bị thu hồi đất không tự nguyện giao đất, nên các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu hồi đất theo quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế thu hồi đất đã ban hành. Để tổ chức thu hồi đất, thì cần phải có sự tham gia của nhiều chủ thể, nên cần phải có kinh phí để trả cho những chủ thể tham gia cưỡng chế thu hồi đất này. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến kinh phí cưỡng chế thu hồi đất.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Thông tư số 74/2015/TT- BTC ngày 15 tháng 05 năm 2015 do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
1. Kinh phí cưỡng chế thu hồi đất
Kinh phí cưỡng chế thu hồi đất hiểu đơn giản chính là những chi phí cần phải trả khi thực hiện hoạt động cưỡng chế thu hồi đất. Hoạt động thu hồi đất nói chung và cưỡng chế thu hồi đất nói riêng cần huy động nhiều nhân lực tham gia và nó cũng phải trải qua những giai đoạn nhất định. Những chi phí phát sinh trong hoạt động cưỡng chế thu hồi đất được liệt kê tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 74/2015/TT- BTC ngày 15 tháng 05 năm 2015 do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gồm:
– Chi phí
– Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng chống cháy nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác phục vụ cho việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất;
– Chi phục vụ công tác tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất;
– Chi phí niêm phong, phá, tháo dỡ, vận chuyển tài sản; di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan ra khỏi khu đất cưỡng chế, chi thuê địa điểm, nhân công, phương tiện bảo quản tài sản và các khoản chi phí thực tế hợp pháp khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện bảo quản tài sản khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp chủ sở hữu tài sản không thanh toán;
– Chi cho công tác quay phim, chụp ảnh phục vụ cho việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất;
– Chi phí bảo vệ, chống tái chiếm đất sau khi tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất của thửa đất cưỡng chế thu hồi đến thời điểm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng;
– Các nội dung chi khác có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất.
Đây là những chi phí cần thiết để chi trả cho hoạt động cưỡng chế thu hồi đất, nó phát sinh từ các hoạt động thực tiễn trong cưỡng chế thu hồi đất như hoạt động
2. Chi phí cưỡng chế thu hồi đất do chủ thể nào chịu?
Tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 74/2015/TT- BTC ngày 15 tháng 05 năm 2015 do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định như sau: ” 3. Căn cứ mức kinh phí được trích cụ thể của từng dự án, tiểu dự án, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường xác định kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất không quá 10% kinh phí quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này để tổng hợp vào dự toán chung..”
Từ quy định trên, thì có thể thấy nguồn kinh phí để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được lấy từ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án. Nên chủ thể chịu chi phí cưỡng chế thu hồi đất sẽ do chủ đầu tư dự án chi trả, ngân sách chi trả chi phí cưỡng chế thu hồi đất lấy từ ngân sách của dự án. Chủ thể bị cưỡng chế thu hồi đất không phải chi trả chi phí cưỡng chế thu hồi đất vì hầu hết trong các trường hợp thu hồi đất, thì những chủ thể bị cưỡng chế thu hồi đất chính là những người bị thiệt hại trực tiếp và nặng nề vì việc thu hồi đất, việc chủ dự án phải chịu chi phí cưỡng chế thu hồi đất là một cách để san sẻ những gánh nặng, thiệt hại mà người bị thu hồi đất phải chịu khi bị cưỡng chế thu hồi đất.
Mức kinh phí cưỡng chế thu hồi đất được xác định tối ta bằng 10% kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án đầu tư.
3. Lập dự toán, sử dụng kinh phí cưỡng chế thu hồi đất
Khi có quyết định cưỡng chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường căn cứ vào các khoản phải chi trong cưỡng chế thu hồi đất đã nêu trên và mức chi tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để tiến hành lập dự toán chi tiết kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền là Phòng Tài chính hoặc Sở Tài chính để cơ quan này tiến hành thẩm định trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt;
Khi lập dự toán, cần lưu ý, đối với các nội dung chi đã có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá như chi phí thông báo, vận động người bị thu hồi đất, chi phục vụ công tác tổ chức thu hồi đất,… đã được quy định trước thì tuân theo quy định đó. Đối với trường hợp chưa có tiêu chuẩn, định mức, đơn giá thì căn cứ vào tình hình thực tế của từng tỉnh, từng địa phương mà Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết định về tiêu chuẩn, định mức, đơn giá cụ thể sao cho phù hợp. Chi phí về in ấn, photo tài liệu, văn phòng phẩm, xăng xe, hậu cần phục vụ và các khoản phục vụ cho bộ máy quản lý trong hoạt động cưỡng chế thu hồi đất tính theo thực tế của từng dự án, tiểu dự án.
Sau khi dự toán kinh phí cưỡng chế thu hồi đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường gửi một bản dự toán kinh phí cưỡng chế thu hồi đất đã được phê duyệt đó cho Chủ đầu tư dự án, tiểu dự án hoặc Quỹ phát triển đất hoặc Kho bạc Nhà nước để phối hợp thực hiện cấp ngân sách cho hoạt động cưỡng chế thu hồi đất.
Căn cứ dự toán chi phí cưỡng chế thu hồi đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt: Chủ đầu tư hoặc Quỹ phát triển đất hoặc Kho bạc Nhà nước thực hiện chuyển tiền hoặc chuyển vốn ứng hoặc chuyển vốn tạm ứng về khoản dự toán kinh phí cưỡng chế thu hồi đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường theo tiến độ thực hiện hoạt động cưỡng chế thu hồi đất.
Người đứng đầu Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí cưỡng chế thu hồi đất của dự án, tiểu dự án đã được cấp theo đúng dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Việc sử dụng, hạch toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường có trách nhiệm báo cáo quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức này hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường có trách nhiệm gửi cơ quan tài chính là Sở Tài chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Phòng Tài chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện để phê duyệt quyết toán chi phí cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Sở Tài chính, Phòng Tài chính tiến hành phê duyệt quyết toán kinh phí cưỡng chế thu hồi đất và có văn bản thông báo số quyết toán kinh phí cưỡng chế thu hồi đất được duyệt cho chủ đầu tư hoặc Quỹ phát triển đất; văn bản thông báo số quyết toán kinh phí cưỡng chế thu hồi đất được duyệt này là chứng từ để thực hiện quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất của từng dự án, tiểu dự án.
Phần chênh lệch giữa số chi theo quyết toán được duyệt và số kinh phí đã nhận của từng dự án, tiểu dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được xử lý như sau:
– Trường hợp số chi thực tế khi cưỡng chế thu hồi đất theo quyết toán được duyệt lớn hơn số kinh phí đã nhận thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường được thanh toán phần chênh lệch nhưng tối đa không quá mức được trích quy định.
– Trường hợp số chi thực tế khi cưỡng chế thu hồi đất theo quyết toán được duyệt nhỏ hơn số kinh phí mà Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường đã nhận thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường phải chuyển trả cho chủ đầu tư (hoặc Quỹ phát triển đất nếu nhận kinh phí từ Quỹ phát triển đất) trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường có trách nhiệm quản lý hồ sơ quyết toán gồm: bản quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và toàn bộ chứng từ có liên quan theo quy định của pháp luật.