Khi thực hiện thu hồi đất đồi thì Nhà nước phải có chính sách bồi thường, tái định cư phù hợp đối với các cá nhân, gia đình bị thu hồi đất. Tái định cư không đơn thuần chỉ là đưa một bộ phận dân cư từ nơi này sang nơi khác. Chính sách tái định cư là gì? Chủ trương, chính sách tái định cư hiện nay?
Mục lục bài viết
1. Chính sách tái định cư là gì?
Tại Luật Đất đai năm 2013 không quy định về khái niệm tái định cư mà chỉ quy định về việc lập, thực hiện dự án tái định cư, bố trí dự án tái định cư tại Điều 85, 86 của Luật. Vấn đề tái định cư chỉ đặt ra khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất ở của người sử dụng đất, họ được Nhà nước thu xếp chỗ ở mới bằng việc tái định cư.
Tái định cư hiểu đơn giản là quá trình di chuyển người dân đến một nơi ở mới. Nhưng bản chất của quá trình đó lại không hề đơn giản, đó là một quá tình bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản, chi phí di chuyển đến nơi ở mới và các hoạt động hỗ trợ để xây dựng lại cuộc sống, ổn định công việc tạo thu nhập và cơ sở vật chất lẫn tinh thần khác cho người dân tại nơi sinh sống mới. Từ đó có thể hiểu “tái định cư” là trách nhiệm của Nhà nước bố trí nơi ở mới cho người bị Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở bằng một diện tích đất ở hoặc nhà ở tại khu tái định cư hoặc bằng tiền để tự lo chỗ ở mới.
Từ đó, có thể thấy đặc điểm của tái định cư bao gồm:
Thứ nhất, tái định cư là trách nhiệm xã hội của Nhà nước trong việc giải quyết các hậu quả phát sinh từ việc thu hồi đất, nhằm giúp người bị thu hồi đất nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất.
Thứ hai, vấn đề tái định cư chỉ đặt ra khi người sử dụng đất bị thu hồi đất ở và phải đã chuyển chỗ ở. Họ được Nhà nước thu xếp chỗ ở mới bằng việc tái định cư, có thể là bằng diện tích đất ở mới hoặc nhà ở mới tại khu tái định cư hoặc bằng tiền tự lo chỗ ở mới. Đất ở là loại đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy hoặc là đất ở, được nhà nước giao cho người dân sử dụng với mục đích chủ yếu là xây dựng nhà ở và các công trình xây dựng khác phục vụ hoạt động sống thường nhất của con người.
Thứ ba, Nhà nước thực hiện tái định cư trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng Tuy nhiên không phải tất cả các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất bị thu hồi vì những mục đích này đều được tái định cư mà họ phải đáp ứng một số điều kiện nhất định do pháp luật quy định thì Nhà nước mới tái định cư.
Thứ tư, mục đích của tái định cư là giải quyết cho người bị thu hồi đất nhanh chóng có chỗ ở ổn định cuộc sống, giảm nhẹ các tác động xấu về kinh tế – văn hóa xã hội đối với bộ phận dân cư phải di chuyển nơi ở vì sự phát triển chung của đất nước .
Như vậy, chính sách tái định cư chính là những mục tiêu cốt lõi nhất, mang tính hướng dẫn thể hiện nội dung, phương pháp, cũng như các thủ tục cần thiết được Đảng và Nhà nước thiết lập để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động tái định cư tới các mục tiêu đề ra.
2. Ý nghĩa của chính sách tái định cư khi nhà nước thu hồi đất:
– Đối với người dân tái định cư: Quyết định thu hồi đất được đưa ra, người dân không chỉ mất quyền sử dụng đất mà còn phải buộc phải di chuyển chỗ ở. Quyền và lợi ích hợp pháp của họ trực tiếp bị xâm hại. Hậu quả là cuộc sống thường nhật của người dân bị đảo lộn. Với quan niệm truyền thống của người Việt Nam “ có an cư mới lạc nghiệp ”, nếu chủ trương, chính sách pháp
Luật Đất đai năm 2013 ghi nhận nguyên tắc: Khi thu hồi đất ở mà người bị thu hồi đất không còn chỗ ở nào khác, phải di chuyển chỗ ở thì Nhà nước phải thực hiện tái định cư và phải có nhà tái đinh cư trước khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Như vậy, Đảng đã vạch ra đường lối, phương hướng cơ bản trong chính sách về thu hồi đất để Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho công tác thu hồi đất được tiến hành trên thực tế, qua đó quyền lợi của người được bố trí tái định cư được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
– Đối với Nhà nước như đã nói, khi Nhà nước thu hồi đất, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất trực tiếp bị xâm hại, do đó, nếu không được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng, họ sẽ phản ứng vô cùng gay gắt và quyết liệt, tổ chức các đám đông khiếu kiện, khiếu kiện vượt cấp và kéo dài và rất dễ phát sinh thành các “ điểm nóng ” tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị. Chính sách tốt giúp Nhà nước thu hồi đất nhanh chóng, giảm áp lực trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, có được sự đồng thuận của nhân dân, góp phần vào việc duy trì, củng cố ổn định trật tự, an toàn xã hội, ổn định chính trị, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư bất động sản, thu hút nguồn đầu tư nhiều hơn góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
– Đối với nhà đầu tư: trong quan hệ thu hồi đất, để thực hiện các dự án đầu tư, nhà đầu tư không phải là chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi thu hồi đất, cũng không phải là người có đất bị thu hồi, nhưng họ chính là chủ thể có quyền và lợi ích liên quan. Khi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân khiến các dự án chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đề ra. Vì vậy, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tốt tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm có mặt bằng triển khai các dự án đầu tư .
3. Chủ trương, chính sách tái định cư hiện nay:
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới việc xây dựng chính sách tái định cư thật phù hợp với thực tế. Theo Nghị quyết của Đảng thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Kiện toàn, nâng cao năng lực của tổ chức có chức năng phát triển quỹ đất để đảm bảo thực thi nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất.
Chính sách đất đai phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, trong đó cần chú trọng đúng mức lợi ích của Nhà nước, xã hội. Khi Nhà nước thu hồi đất mà cá nhân hoặc tổ chức đang sử dụng hợp pháp để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển sản xuất- kinh doanh, Nhà nước thực hiện bồi thường, tái định cư, đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm. Nhà nước không bồi thường đối với đất lấn chiếm, đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích.
Việc bồi thường, hồ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đất đang sử dụng hợp pháp. Tổ thức thực hiện có hiệu quả phương án đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống của nhân dân ở khu vực có đất bị thu hồi. Nghiên cứu phương thức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ để đảm bảo ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.
Hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất, huy động các nguồn xây dựng các khu dân cư có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để bố trí chỗ ở mới cho người có đất bị thu hồi trước khi bồi thường, giải tỏa. Khu dân cư được xây dựng phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Nhà nước có quy hoạch tổng thể và sử dụng đất trên địa bàn cả nước, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đồng bộ việc bồi thường, tái định cư và hỗ trợ việc làm khi thu hồi đất.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản. Tăng cường sự quản lý, điều tiết của Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Việc phát triển đô thị, các dự án kinh doanh bất động sản phải phù hợp với quy hoặc, nhu cầu của thị trường. Đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, chỉnh trang đô thị, cần quy hoạch cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để thu hồi đất, tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình sau này, hỗ trợ người có đất bị thu hồi và tăng thu ngân sách, đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật.