Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được ví như một "chiếc vé thông hành" để giúp cho các tổ chức, cá nhân, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu đối với giống cây trồng chính. Vậy, mẫu quyết định về việc công nhận lưu hành giống cây trồng có nội dung như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quyết định về việc công nhận lưu hành giống cây trồng là gì?
Theo Dennis (1982), sự tiến hoá của giống phải đặt trong bối cảnh quan hệ giữa sinh vật, môi trường và con người, và chia thành ba thời kỳ:
Giống ban đầu được hình thành nối tiếp từ sự chọn lọc tự nhiên, được hoàn thiện dần dưới sự tác động của môi trường sinh thái, của lao động con người, nhưng còn mang đậm dấu ấn các đặc tính của quần thể hoang dại. Một số giống địa phương vẫn còn trong tình trạng của giống ban đầu.
Giống cải tiến có tiêu chuẩn (về ngoại hình, năng suất…) do con người đặt ra theo nhu cầu để chọn lọc và cải tiến khả năng của sinh vật.
Giống cao sản là những giống có năng suất cao hơn hẳn giống cải tiến, và khá phổ biến trên thế giới.
Đây được xem là cách phân loại khá điển hình cho giống, bên cạnh đó, dựa vào các tiêu chỉ khác nhau có thể chia giống thành nhiều loại khác. Việc phân loại có ý nghĩa trong sử dụng giống một cách hiệu quả và tối ưu. Mặc dù có nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng tựu chung lại, giống cây trồng vẫn được hiểu chung là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn. (Khoản 5, Điều 2, Luật Trồng trọt).
Việc “Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt, vì vậy quyết định công nhận lưu hành là văn bản pháp lý có giá trị cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, không phải mọi giống cây trồng điều được cấp quyết định này mà phải đáp ứng đủ điều kiện tại Luật Trọng trọt, cụ thể:
– Đối tượng bắt buộc: Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính (nếu chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng hoặc phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu. Danh mục loại cây trồng chính, bao gồm: Lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối. Danh mục loài cây trồng chính được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ phát triển.
– Đối tượng không bắt buộc: Giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính (nếu chưa tự công bố lưu hành giống cây trồng hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng).
Các điều kiện đi kèm bao gồm: Có tên giống cây trồng (Lưu ý, tên phải đảm bảo quy định tại Điều 14 Luật Trồng trọt, ví dụ như không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm;…); Có kết quả khảo nghiệm bảo đảm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định; Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng; (kết quả khảo nghiệm được thực hiện bởi tổ tổ chức khảo nghiệm độc lập được công nhận đủ điều kiện thực hiện); Có mẫu giống cây trồng được lưu; Có bản công bố thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn.
Quyết định về việc công nhận lưu hành giống cây trồng là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhận đăng ký giống lưu hàn nhằm công nhận lưu hành giống cây trồng cụ thể khi đáp ứng các điều kiện luật định.
Quyết định về việc công nhận lưu hành giống cây trồng là văn bản có giá trị chứng minh hoạt động sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu của cá nhân, tổ chức là hợp pháp, hay nói cách khác đây là cơ sở để hợp pháp hóa mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được công nhận lưu hành và các đơn vị liên quan. Quyết định này còn là cơ sở để cơ quan nhà nước quản lý quỹ giống cây trồng và nắm bắt được tình hình sử dụng, lưu hành giống cây trồng trông cả nước, tránh tình trạng lưu hành các giống cây không hiệu quả, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng đất đai.
Trình tự, thủ tục để cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được quy định tại Nghị định 94/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt. Hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; Kết quả khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng đề nghị công nhận lưu hành; Kết quả khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng; Quy trình canh tác của giống do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn; Bản công bố các thông tin về giống cây trồng do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn. Đây là các tài liệu có giá trị chứng minh tổ chức, cá nhân đăng ký đủ điều kiện đã nêu ở Mục 1.
Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt thẩm định hồ sơ, cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Giống cây trồng được phép lưu hành, kể từ ngày ký Quyết định công nhận lưu hành.
Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm và được gia hạn.
2. Mẫu quyết định về việc công nhận lưu hành giống cây trồng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC TRỒNG TRỌT
——-
Số: /QĐ-TT-…
Hà Nội, ngày … tháng … năm …
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công nhận lưu hành giống cây trồng
CỤC TRƯỞNG CỤC TRỒNG TRỌT
Căn cứ Quyết định số …/QĐ-BNN-TCCB ngày … tháng … năm … của … quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trồng trọt;
Căn cứ đề nghị của (tổ chức, cá nhân) … tại văn bản số … ngày … tháng … năm … về việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng;
Căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ và đề nghị của …,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công nhận lưu hành giống cây trồng
Mã số lưu hành: ……………….;
Tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành: ………(1)………..;
Phạm vi lưu hành: ………(2)……….;
Thời gian lưu hành: ……(3)……… năm kể từ ngày ký Quyết định.
Thông tin về giống cây trồng theo Mẫu số 2.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
Điều 2. Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được công nhận lưu hành và các đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến giống cây trồng được công nhận lưu hành nêu trên để áp dụng vào sản xuất.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Cục, Trưởng các đơn vị thuộc Cục; tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được công nhận lưu hành, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều …;
– …;
– Lưu: VT, …
CỤC TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu quyết định về việc công nhận lưu hành giống cây trồng:
(1) Ghi tên tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành đối với giống cây trồng (Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng tại Việt Nam có quyền đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành.
(2) Phạm vi cả nước hay từng vùng, trong nước hay ngoài nước (trừ giống cây trồng cấm xuất phẩu).
(3) Giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm.
Cơ sở pháp lý:
Luật Trồng trọt năm 2018
Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.