Những điều cần biết về loại hình công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên tại Việt Nam khi có mong muốn thành lập doanh nghiệp
Loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) là loại hình doanh nghiệp khá phổ biến hiện nay. Công ty TNHH được chia làm hai loại: Công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH từ hai thành viên trở lên.
Việc tìm hiểu về những quy chế pháp lý của công ty TNHH sẽ giúp cho doanh nghiệp có cách nhìn nhận đúng về những ưu, nhược điểm của loại hình doanh nghiệp này, từ đó lựa chọn cho loại hình doanh nghiệp phù hợp.
Thứ nhất, về thành viên công ty. Trong công ty TNHH một thành viên, thành viên có thể là một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu công ty. Đối với công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân với số lượng tối thiểu là hai và số lượng tối đa không vượt quá năm mươi.
Thứ hai, về trách nhiệm tài sản. Thành viên công ty TNHH chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp hoặc cam kết góp.
Thứ ba, về vốn điều lệ. Trong công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu công ty phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết góp, phải tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Đối với công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, vốn điều lệ của công ty được chia làm nhiều phần, các thành viên có thể đóng góp nhiều ít khác nhau nhưng phải góp đầy đủ và đúng hạn.
Thứ tư, về việc chuyển nhượng vốn. Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác. Đối với công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, thành viên phải yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 43
Thứ năm, về tư cách pháp lý. Công ty TNHH có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thứ sáu, về việc huy động vốn. Công ty TNHH có thể huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu, không được phát hành cổ phiếu.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ bảy, về cơ cấu tổ chức. Tùy thuộc vào thành viên và loại công ty TNHH mà cơ cấu tổ chức của công ty TNHH khác nhau. Cơ cấu tổ chức của công ty TNHH từ hai thành viên trở lên bao gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát (nếu công ty có từ mười một thành viên trở lên); Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Đối với công ty TNHH một thành viên là cá nhân, cơ cấu tổ chức của công ty bao gồm Chủ tịch Công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chủ sở hữu công ty đồng thời là Chủ tịch công ty; Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Đối với công ty TNHH một thành viên là tổ chức, trong trường hợp có ít nhất hai người được bổ nhiệm là người đại diện theo ủy quyền thì cơ cấu tổ chức của công ty bao gồm Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và kiểm soát viên; trong trường hợp chỉ có một người được bổ nhiệm là đại diện theo ủy quyền thì cơ cấu tổ chức của công ty bao gồm Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và kiểm soát viên, Chủ tịch công ty là người được bổ nhiệm làm đại diện theo ủy quyền; Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.