Các tội xâm phạm danh dự nhân phẩm của con người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ về nhân phẩm, danh dự của con người.
Các tội xâm phạm danh dự nhân phẩm của con người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ về nhân phẩm, danh dự của con người. Theo đó, pháp luật hình sự Việt Nam quy định nhóm tội này từ điều 111 đến điều 122 –
1. Tội hiếp dâm (Điều 111 – Bộ luật hình sự): là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ.
Chủ thể trong xét xử thực tiễn là nam giới, nữ giới chỉ tham gia với vai trò là người đồng phạm như người tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức.
2. Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 – Bộ luật hình sự): là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của nạn nhân hoặc hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi.
3. Tội cưỡng dâm (Điều 113 – Bộ luật hình sự): là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình (lệ thuộc có thể về kinh tế, về công tác,…) hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu.
Trường hợp một người dùng thủ đoạn dụ dỗ, hứa hẹn khiến người phụ nữ lệ thuộc hoặc trong tình trạng quẫn bách thuận tình giao cấu thì hành vi không cấu thành tội này.
4. Tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114 – Bộ luật hình sự): là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi lệ thuộc mình hoặc đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu.
5. Tội giao cấu với trẻ em (Điều 115 – Bộ luật hình sự 2015): là hành vi của người đã thành niên giao cấu thuận tình với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Đây là trường hợp hành vi giao cấu có sự đồng ý, chấp nhận của nạn nhân mặc dù người phạm tội không có bất kỳ thủ đoạn nào để ép buộc khống chế. Trường hợp chủ thể dùng tiền hoặc tài sản để trao đổi lấy việc giao cấu thuận tình với nạn nhân thì không cấu thành tội này.
6. Tội dâm ô với trẻ em (Điều 116 – Bộ luật hình sự): là những hành vi có tính chất kích thích tình dục chứ không có mục đích giao cấu nạn nhân. Chủ thể của tội phạm trong tội này là người đã thành niên.
7. Tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 117 – Bộ luật hình sự): là hành vi cố ý lây truyền bệnh cho người khác của người biết mình bị nhiễm HIV. Hành vi này có thể được thực hiện bằng bất kỳ phương thức nào như dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục,…
Luật sư
8. Tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 118 – Bộ luật hình sự): là hành vi cố ý truyền HIV cho người khác nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 – Bộ luật hình sự. Nguồn gây bệnh trong trường hợp này không phải là từ tình trạng mắc bệnh của chủ thể. (Ví dụ: Bác sỹ truyền máu mà biết là bị nhiễm HIV cho bệnh nhân).
9. Tội mua bán người (Điều 119 – Bộ luật hình sự mới nhất): là hành vi dùng tài sản để trao đổi con người như một thứ hàng hóa. Hành vi này có thể được thực hiện khi có hoặc không có sự đồng ý của người bị mua bán. Đối tượng tác động của tội phạm là con người từ đủ 16 tuổi trở lên.
10. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 – Bộ luật hình sự): Đối tượng tác động của tội phạm là trẻ em dưới 16 tuổi
– Hành vi mua bán trẻ em được hiểu tương tự như hành vi mua bán người.
– Hành vi đánh tráo trẻ em là hành vi tráo đổi trẻ em này bằng trẻ em khác một cách bất hợp pháp bằng bất kỳ thủ đoạn nào.
– Hành vi chiếm đoạt trẻ em là hành vi dùng bất kỳ thủ đoạn nào tách đứa trẻ ra khỏi sự quản lý của cha mẹ hoặc người quản lý hợp pháp để bản thân chủ thể hoặc người khác thực hiện được quyền quản lý với đứa trẻ.
11. Tội làm nhục người khác (Điều 121 – Bộ luật hình sự): là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Việc đánh giá mức độ xúc phạm có nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, uy tín của người bị hại trong gia đình, tổ chức hoặc trong xã hội, dư luận xã hội.
12. Tội vu khống (Điều 122 – Bộ luật hình sự): là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.