Tài sản đang thế chấp có bị kê biên để thi hành án không? Thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thi hánh án.
Tài sản đang thế chấp có bị kê biên để thi hành án không? Thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thi hánh án.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin văn phòng luật sư giải đáp thắc mắc giúp cho tôi.vợ chồng tôi đang vay thế chấp của ngân hàng Sacombank bằng 2 mảnh đất, 1 đứng tên 2 vợ chồng tôi, 1 đứng tên của chồng tôi. Cách đây vài tháng chồng tôi có vay tín chấp của ppf và homcredit mà tôi không biết, làm ăn thất bại nên 2 tháng nay chưa đóng tiền hàng tháng cho 2 công ty này. Về lãi ngân hàng sacombank tôi vẫn đóng đầy đủ. Nhưng tôi có nghe cán bộ ngân hàng nói về việc liên đới các ngân hàng gì đó, nghĩa là các công ty mà chồng tôi vay tín chấp cũng có thể lấy đất của tôi đang vay bên sacombank để phát mãi. Tôi không hiểu việc này lắm. Xin các luật sư chỉ rõ cho tôi biết ạ!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Luật thi hành án dân sự 2008;
2. Giải quyết vấn đề:
Bạn có trình bày, vợ chồng bạn đang vay thế chấp của ngân hàng sacombank bằng 2 mảnh đất, 1 đứng tên 2 vợ chồng bạn, 1 đứng tên của chồng bạn. Cách đây vài tháng chồng bạn có vay tín chấp của ppf và homcredit mà bạn không biết, làm ăn thất bại nên 2 tháng nay chưa đóng tiền hàng tháng cho 2 công ty này. Về lãi ngân hàng sacombank bạn vẫn đóng đầy đủ. Trong trường hợp này, nếu công ty PPF và Homecredit khởi kiện ra Tòa yêu cầu vợ chồng bạn trả tiền. Tòa án đã thụ lý và có bản án yêu cầu vợ chồng bạn thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì bên cơ quan thi hành án có quyền kê biên, xử lý tài sản đang thế chấp trong ngân hàng Sacombank của vợ chồng bạn mặc dù khoản vay này của các bạn vẫn đang thực hiện đúng, chưa đến hạn thanh toán. Bởi căn cứ vào Điều 90 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định về kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp. Theo đó: việc kê biên xử lý tài sản đang cầm cố hoặc thế chấp phải đáp ứng điều kiện sau:
+ Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án
+ Giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về kê biên tài sản đang thế chấp: 1900.6568
+ Và khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật thi hành án dân sự 2008. Cụ thể, số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.
Như vậy theo quy định trên thì trong trường hợp vợ chồng bạn ngoài 2 mảnh đất đang thế chấp tại ngân hàng Sacombank mà không có tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng tài sản này không đủ để thi hành hai khoản nợ với công ty PPF và Homecredit thì cơ quan thi hành án có quyền kê biên, xử lý 2 mảnh đất của vợ chồng bạn nếu giá trị của hai mảnh đất đó có giá trị lớn hơn nghĩa vụ phải thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án. Bên cạnh đó, Chấp hành viên phải thông báo cho ngân hàng Sacombank về việc xử lý 2 mảnh đất đang thế chấp của vợ chồng bạn và sẽ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ các chi phí thi hành án.