Chưa trộm được tài sản có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Truy cứu trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản.
Chưa trộm được tài sản có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Truy cứu trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Người trộm cắp mèo nhưng mới đặt bẫy, chưa bắt được con mèo nào có bị xử lý không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào? Ý thức chủ quan của người vi phạm là bẫy trộm mèo để lấy tiền tiêu xài.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 138 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định tội trộm cắp tài sản như sau:
“Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”
Điều 18 Bộ luật Hình sự 1999 quy định phạm tội chưa đạt như sau:
“Điều 18. Phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.”
Mục 2 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn Phạm tội chưa đạt (Điều 18 Bộ luật hình sự 1999) như sau:
"2. Phạm tội chưa đạt (Điều 18).
a. Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 thì tội phạm chưa đạt là trường hợp đã bắt đầu cố ý thực hiện tội phạm, nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người tội phạm. Khác với chuẩn bị phạm tội, thì người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt (bất kỳ tội phạm nào do cố ý). Tuy nhiên, cần chú ý là chỉ khi có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng tội phạm mà người phạm tội không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của họ thuộc khoản nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì mới áp dụng khoản, điều luật tương ứng đó. Trong trường hợp không xác định được tội phạm mà họ thực hiện không đạt thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì áp dụng khoản nhẹ nhất của điều luật tương ứng đó.
Ví dụ 1: Một người tội phạm có tính chất chuyên nghiệp đang phá khoá để trộm cắp chiếc xe máy Dream II thì bị bắt hoặc một người chưa có tiền án, tiền sự đang trộm cắp tài sản có giá trị 100 triệu đồng thì bị phát hiện. Những người này sẽ bị xét xử theo khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm c hoặc điểm e).
Ví dụ 2: Một người đã bị xử phạt 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chưa được xoá án tích mà lại phá khoá cửa vào nhà của người khác với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, nhưng chưa lấy được tài sản gì thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, thì hành vi của người này đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng không xác định được thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999; do đó, chỉ có căn cứ xét xử họ theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
b- Trong trường hợp xác định được hành vi vi phạm mà người đó thực hiện không đạt vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của họ không có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc trong trường hợp không thể xác định được hành vi vi phạm mà họ thực hiện không đạt đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa, thì áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố bị cáo không phạm tội mà họ đã bị truy tố.
Ví dụ 1: Nguyễn Văn B (chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng đã được xoá án tích) đang lừa đảo người khác để chiếm đoạt tài sản có giá trị 300 nghìn đồng thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, thì hành vi vi phạm của Nguyễn Văn B không cấu thành tội phạm; do đó, áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố Nguyễn Văn B không phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà họ đã bị truy tố.
Ví dụ 2 : Trần C (chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng đã được xoá án tích) phá khoá cửa và nhà của người khác với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, những chưa lấy được tài sản gì thì bị phát hiện và bị bắt giữ, Trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, thì không thể xác định được hành vi vi phạm của Trần C đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa (ví không thể xác định được giá trị tài sản bị chiếm đoạt); do đó, áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố Trần C không phạm tội "trộm cắp tài sản" mà họ đã bị truy tố.
c- Khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, ngoài việc phải áp dụng điểm, khoản, điều luật quy định về tội phạm đó, cần phải áp dụng Điều 18 và các khoản 1 và 3 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999.
Ví dụ: Trần M là tái phạm nguy hiểm đang phá khoá để trộm cắp chiếc xe máy Dream II có giá trị 25 triệu đồng, thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này phải tuyên bố trong bản án là: "Trần M phạm tội trộm cắp tài sản (chưa đạt); áp dụng điểm c khoản 2 Điều 138, Điều 18, các khoản 1 và 3 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt Trần M…."."
Theo quy định trên, có thể thấy phạm tội chưa đạt chỉ xảy ra đối với loại tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Trong đó, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa thực hiện trọn vẹn hay chưa hoàn thành tội phạm đó vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội; người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng.
Đối chiếu với trường hợp của bạn mặc dù tên trộm chưa hoàn thành việc trộm cắp và chưa lấy được tài sản nhưng tên trộm này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009. Hình phạt đối với người phạm tội trộm cắp tài sản nhưng chưa đạt được mục đích sẽ được áp dụng theo các hình phạt đối với tội tội trộm cắp tài sản.
Tuy nhiên, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.