Trả tiền lương trong khoảng thời gian người lao động tự đi đào tạo. Người lao động tự đi học, tự nâng cao trình độ thì trả lương thế nào?
Trả tiền lương trong khoảng thời gian người lao động tự đi đào tạo. Người lao động tự đi học, tự nâng cao trình độ thì trả lương thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật Dương Gia! Luật sư cho tôi hỏi, khi người lao động làm việc trong Công ty (ngoài Nhà nước), người lao động tự đi học, tự đi đào tạo cho bản thân và được sự đồng ý của người sử dụng lao động thì tiền lương được hưởng trong thời gian đi học được tính như thế nào? Xin cảm ơn Luật Dương Gia!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trước tiên, mục đích người lao động đi học là nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và pháp luật quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được đào tạo nâng cao tay nghề. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong vấn đề này được quy định tại Điều 60 “Bộ luật lao động 2019” như sau:
“Điều 60. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề
1. Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.
2. Người sử dụng lao động phải báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hằng năm về lao động.”
Trên thực tế, xuất phát từ yêu cầu của hoạt động sản xuất và điều kiện kinh tế nên chi phí đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động thường do người lao động chi trả và quyền lợi của các bên được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đào tạo nghề giữa người lao động và người sử dụng lao động được quy định tại Điều 62 “Bộ luật lao động 2019”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 “Bộ luật lao động 2019” thì trong trường hợp chi phí đào tạo do người sử dụng lao động chi trả thì buộc phải lập một hợp đồng đào tạo nghề như trên. Theo đó, trong trường hợp người lao động tự bỏ chi phí đào tạo thì các bên có thể lập một hợp đồng đào tạo hoặc không. Cùng với đó, do pháp luật hiện hành lại không có quy định cụ thể trong trường hợp chi phí đào tạo do người lao động chi trả nên quyền và nghĩa vụ của các bên cơ bản sẽ được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận ban đầu, trong đó có vấn đề về tiền lương của người lao động trong thời gian đi học.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 “Bộ luật lao động 2019” thì tiền lương cho người lao động được xác định là một khoản trong chi phí đào tạo nên trong trường hợp người lao động tự bỏ tiền đi học và đã nhận được sự đồng ý của người sử dụng lao động thì cần phải xem xét đến việc ban đầu hai bên có thỏa thuận về vấn đề tiền lương cho người lao động khi đi học hay không. Bởi về nguyên tắc, tiền lương sẽ được xác định trên cơ sở sự tham gia thực tế của người lao động vào công việc được giao vậy nên nếu người lao động vừa đi học vừa đi làm thì họ cũng phải được hưởng lương tương ứng với thời gian đi làm của mình. Trong trường hợp người lao động không thể tiếp tục đảm nhận công việc trong thời gian đi học thì hai bên cũng có thể thỏa thuận một mức lương với tính chất hỗ trợ cho người lao động trong thời gian học tập.