Thủ tục thay đổi ngành, nghề đăng ký kinh doanh? Bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Thủ tục thay đổi ngành, nghề đăng ký kinh doanh? Bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Công ty tôi là công ty TNHH 1 thành viên là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, thành lập năm 2015.Công ty tôi muốn bổ sung thêm 1 số ngành nghề kinh doanh , trong đó có ngành kinh doanh bất động sản (thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Xin hỏi thủ tục và điều kiện để được thay đổi ngành nghề như thế nào? Việc thay đổi ngành nghề kinh doanh có ảnh hưởng gì tới giấy chứng nhận đầu tư hay không? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Ngành, nghề đăng ký kinh doanh là một trong những nội dung phải đăng ký khi thành lập doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp muốn thêm kinh doanh những ngành nghề khác ngoài những ngành nghề đã đăng ký thì doanh nghiệp phải thực hiện bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh theo Điều 49 Nghị định 78/2015/NĐ-CP bao gồm:
-Thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh (theo mẫu II-1 ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT). Nội dung thông báo gồm:
+ Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
+ Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi;
+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp,
-Quyết định của chủ sở hữu công ty;
Hồ sơ gửi đến phòng đăng ký kinh doanh – thuộc Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đã đăng ký trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi;
Còn đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì bạn vẫn thực hiện bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh. Sau đó công ty bạn mới phải đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh thì mới có thể thực hiện kinh doanh với ngành đó.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Căn cứ Điều 39 Luật đầu tư 2014 xác định nội dung trong giấy chứng nhận đầu tư bao gồm:
1. Mã số dự án đầu tư.
2. Tên, địa chỉ của nhà đầu tư.
3. Tên dự án đầu tư.
4. Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; diện tích đất sử dụng.
5. Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
6. Vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn.
7. Thời hạn hoạt động của dự án.
8. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn.
9. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
10. Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trường hợp bạn chỉ bổ sung ngành, nghề kinh doanh mà phù hợp với điều kiện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thì không làm ảnh hưởng hay nói cách khác là phải điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo khoản 3 Điều 45 Nghị định 118/2015/NĐ-CP:
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quyền điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư. Việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có).
Nếu như việc bổ sung ngành nghề kinh doanh dẫn tới thay đổi một trong các nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục điều chỉnh trên giấy chứng nhận đầu tư.