Bán rong quần áo có phải đăng ký kinh doanh không? Nhiệm vụ của dân quân tự vệ.
Bán rong quần áo có phải đăng ký kinh doanh không? Nhiệm vụ của dân quân tự vệ.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa Luật sư, em buôn bán quần áo thuộc loại hàng rong không cố định. Lực lượng an ninh trật tự dân quân xã thường xuyên ngăn cản việc buôn bán và đòi có giấy phép kinh doanh. Em không vi phạm hành lang vỉa hè. Vậy xin cho em biết, lực lượng an ninh trật tự dân quân xã có quyền làm vậy hay không? Em có cần giấy phép kinh doanh hay không? Em xin cảm ơn.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định:
"Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của
Luật Thương mại . Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác."
Theo như bạn trình bày, bạn bán rong quần áo, không có địa điểm kinh doanh cố định như vậy trong trường hợp của bạn không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, hàng hóa bạn bán rong phải thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 Nghị định 39/2007/NĐ-CP như sau:
"1. Cá nhân hoạt động thương mại được phép kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, trừ các loại hàng hóa, dịch vụ sau đây:
a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; hàng không bảo đảm chất lượng, bao gồm hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh;
c) Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ này.
3. Cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ pháp luật về thuế, giá, phí và lệ phí liên quan đến hàng hóa, dịch vụ kinh doanh. Trường hợp kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, cá nhân hoạt động thương mại phải bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với việc kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
4. Nghiêm cấm cá nhân hoạt động thương mại gian lận trong cân, đong, đo, đếm và cung cấp các thông tin sai lệch, dối trá hoặc thông tin dễ gây hiểu lầm về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ hoặc bản chất của hoạt động thương mại mà mình thực hiện.''
Ngoài ra, bạn cần đảm bảo về phạm vi địa điểm kinh doanh và đảm bảo về an ninh trật tự an toàn xã hội theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP. Nếu bạn vi phạm quy định về địa điểm kinh doanh hoặc gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội, vi phạm về thời gian kinh doanh buôn bán thì tùy từng trường hợp bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
Điều 8 Luật dân quân tự vệ 2009 quy định nhiệm vụ của dân quân tự vệ quy định như sau:
"+ Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ địa phương, cơ sở; phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển và lực lượng khác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam.
+ Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.
+ Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác.
+ Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, cơ sở.
+ Học tập chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự và diễn tập.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật."
Như vậy, lực lượng dân quân tự vệ có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Nếu hoạt động kinh doanh của bạn là bán hàng rong, không có địa điểm kinh doanh cố định, bạn không vi phạm các quy định về an ninh trật tự thì lực lượng dân quân tự vệ không có quyền yêu cầu bạn phải đăng ký kinh doanh hay lập biên bản vi phạm hành chính. Để chấm dứt hành vi này, bạn làm đơn tường trình gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lực lượng dân quân hoạt động để yêu cầu giải quyết.