Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đang đi hát cùng bạn tôi. Khi đang hát, tôi sơ suất đã để chìa khóa ở bàn. Bạn tôi lấy trộm xe tôi đi cắm. Tôi viết đơn lên Công an huyện thì người đó đã lấy xe của tôi mang đi bán. Công an huyện đã điều tra và xác nhận là đúng sự thật. Nhưng 10 ngày rồi vẫn chưa có chuyển biến. Hiện tại cơ quan công an không giúp tôi lấy lại xe và không bắt người lấy xe tôi thì tôi phải làm như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định tội trộm cắp tài sản như sau:
''1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.''
Cấu thành tội trộm cắp tài sản như sau:
– Chủ thể:
+ Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
+ Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì người phạm tội phải đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Khách thể: xâm phạm đến quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu tài sản, tài sản bị trộm cắp đang thuộc sở hữu hay chịu sự quản lý của chủ sở hữu nhưng bị người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp nhằm chiếm đoạt.
– Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. Người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản biết tài sản đó đang có người khác quản lý nhưng vẫn muốn tài sản đó thuộc về mình; thực hiện hành vi một cách lén lút không chỉ có rình mò vụng trộm mà còn có thể diễn ra một cách công khai trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng những người chứng kiến không biết rằng người phạm tội đang thực hiện hành vi đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.
– Mặt khách quan:
+ Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết.
+ Có hậu quả xảy ra là tài sản bị chiếm đoạt thuộc một trong các trường hợp:
+) Với những tài sản to lớn, cồng kềnh, người phạm tội phải chuyển được tài sản đó ra khỏi phạm vi cất giữ.
+) Với nhưng tài sản nhỏ, dễ cất giấu, chỉ cần đưa tài sản ra khỏi vị trí cất giữ ban đầu.
+) Với tài sản không có nơi cất giữ riêng, người phạm tội phải đưa tài sản đó ra khỏi địa bàn (địa điểm phạm tội) thì tội mới hoàn thành.
Nếu bạn của bạn có các dấu hiệu trên thì bạn của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật thời hạn giải quyết tố giác: 1900.6568
Nếu không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì bạn của bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
''1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
… ''
Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như sau:
''1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.
3. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.
Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.
4. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.''
Như vậy, cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm của cá nhân, tổ chức. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tin tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan điều tra trong trách nhiệm của mình điều tra, xác minh nguồn tin để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp có tình tiết phức tạp phải điều tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng không quá hai tháng.
Do đó trong trường hợp này, tính từ thời điểm bạn làm đơn tố cáo tới nay là 10 ngày chưa hết thời hạn điều tra, xác minh của cơ quan điều tra. Như vậy bạn cần phải chờ thêm 01 thời gian nữa để cơ quan điều tra xác minh, điều tra. Nếu cơ quan điều tra cố tình kéo dài thời hạn điều tra, bạn có quyền làm đơn khiếu nại tới cơ quan công an để yêu cầu đẩy nhanh quá trình điều tra, xác minh vụ án.