Điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở xử phạt bao nhiêu? Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông?
Điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở xử phạt bao nhiêu? Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông?
Tóm tắt câu hỏi:
Cho e hỏi.e bị bắt xe phạt nồng độ cồn 0.65 không bằng quên đem cà vẹt xe .xe của bố emvà không kí biên bản thì mức phạt có thể như thế nào ạ.e nghe nóitầm trên dưới 5tr có phải thế ko ạ.rất mong tổng đài tư vấn.có thể gửi tin nhắn đến sdt e dc ko.e cám ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012.
2. Giải quyết vấn đề:
– Trường hợp bố của bạn là người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô :
Theo điểm a khoản 9 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau :
" 9. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người Điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;"
Theo điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về người Điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe phạt tiền phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
– Trường hợp bố bạn là người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy ( kể cả xe máy điện ), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy :
Theo điểm c khoản 8 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy đinh về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau :
" 8. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người Điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở."
Theo điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định Người Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe phạt từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật xử phạt vượt quá nồng độ cồn: 1900.6568
Bên cạnh đó, Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 về lập biên bản vi phạm hành chính quy định :
" 1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm.
Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.
2. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.
3. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.
Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó."
Điều 15 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 về khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử phạt vi phạm hành chính quy định :
" 1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật."
Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 73 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định :
" 1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật."
Như vậy từ các quy đinh pháp luật trên,trong trường hợp này bố của bạn phải chấp nhận quyết định xử phạt và ký vào biên bản xử phạt dù không đồng ý. Sau đó, nếu thấy không thỏa đáng về cách giải quyết vi phạm phía cảnh sát giao thông, bố của bạn có quyền khiếu nại quyết định xử phạt này.