Điều kiện được hưởng phụ cấp khi làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Người làm bảo vệ ở trung tâm phòng chống HIV/ AIDS có được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật không?
Điều kiện được hưởng phụ cấp khi làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Người làm bảo vệ ở trung tâm phòng chống HIV/ AIDS có được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi làm bảo vệ ở trung tâm phòng chống HIV/ AIDS, cơ sở điều trị methardone. Tôi muốn hỏi hàng ngày tôi đều tiếp xúc với bệnh nhân nghiện như vậy luật sư cho tôi hỏi tôi có được hưởng chế độ độc hại hay không? Cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH.
2. Giải quyết vấn đề:
Theo quy định tại Điều 141 “Bộ luật lao động 2019”:
“Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội”.
Pháp luật hiện nay có quy định về điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật tại Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH. Theo đó:
“1. Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:
a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động)”.
Như vậy, điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vât đó là làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. Trong trường hợp bạn làm công việc độc hại thuộc trong các danh mục các ngành nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại công ty nhà nước thì được xây dựng chế độ phụ cấp lương quy định tại Mục 3 Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH.
-Thứ nhất, nguyên tắc xây dựng chế độ phụ cấp lương được quy định tại Điều 10 Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
“Điều 10. Nguyên tắc xác định chế độ phụ cấp lương
1. Chế độ phụ cấp lương để bù đắp các yếu tố điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt tại nơi làm việc và mức độ thu hút lao động của công ty, nhưng chưa được tính đủ trong mức lương của thang lương, bảng lương.
2. Công ty rà soát, đánh giá các yếu tố nêu tại Khoản 1 Điều này, so sánh với yếu tố quy định tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp điều kiện lao động và tính chất phức tạp công việc cao hơn quy định tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư này; điều kiện sinh hoạt và mức độ thu hút lao động chưa tính đến trong mức lương thì công ty quy định thành chế độ phụ cấp lương.
3. Các mức phụ cấp lương được thiết kế theo tỷ lệ % hoặc mức tiền tuyệt đối do công ty quyết định cho phù hợp với đặc điểm, tính chất lao động và điều kiện thực tế của công ty.”
– Thứ hai, một số chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
“Điều 11. Một số chế độ phụ cấp lương
1. Chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
a) Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được áp dụng đối với người lao động làm nghề, công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
b) Công ty rà soát phân loại điều kiện lao động theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, so sánh mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của nghề, công việc với điều kiện lao động bình thường để xác định mức phụ cấp, bảo đảm: Mức phụ cấp đối với nghề, công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng 5% và cao nhất bằng 10%; nghề, công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng nhất 7% và cao nhất 15% so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.
c) Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo thời gian thực tế làm công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày, làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày”.
Theo danh mục nghề – công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐTBXH ban hành thì những ngành nghể sẽ được hưởng phụ cấp độc hại trong lĩnh vực y tế, được quy định như sau:
NGÀNH : Y TẾ
Điều kiện lao động loại VI
1 Trực tiếp khám, điều trị, phục vụ người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS.Công việc rất nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao bệnh không có khả năng cứu chữa, căng thẳng thần kinh tâm lý.
2 Giải phẫu bệnh lý đại thể, liệm xác, ướp xác, khám nghiệm tử thi và vệ sinh nhà xác.Thường xuyên tiếp xúc với xác chết, các vi khuẩn có hại và các hoá chất độc, căng thẳng thần kinh tâm lý.
Điều kiện lao động loại V
1 Giải phẫu bệnh lý vi thể, chuyên trách kiểm nghiệm độc chất pháp y.Thường xuyên tiếp xúc với các phủ tạng nhiễm bệnh, hôi thối và các hoá chất độc.
2 Đứng máy, phụ máy, chuyên sửa chữa, kiểm chuẩn máy X quang, máy chiếu xạ; sử dụng máy cobalt, kim radium và các chất phóng xạ khác để điều trị và chuẩn đoán bệnhTiếp xúc với bức xạ ion hoá vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần và các nguồn lây nhiễm.
3 Chuyên sửa chữa kiểm chuẩn máy hút đờm, mủ.Thường xuyên tiếp xúc với chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao.
4 Trực tiếp khám, điều trị, xét nghiệm, phục vụ bệnh nhân phong, tâm thần lao.Thường xuyên làm việc ở nơi có nguy cơ lây nhiễm lao, căng thẳng thần kinh tâm lý.
5 Trực tiếp khám, điều trị, phục vụ bệnh nhân truyền nhiễm.Thường xuyên làm việc ở nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, căng thẳng thần kinh tâm lý.
6 Mổ, phụ mổ, gây mê hồi sức; chuyên cấp cứu, theo dõi hồi sức sau mổ.Công việc nặng nhọc, rất căng thẳng thần kinh tâm lý, làm việc không kể ngày đêm.
7 Trực tiếp khám, điều trị, phục phụ trẻ sơ sinh bệnh lý.Công việc nặng nhọc, bận rộn, căng thẳng trong suốt ca làm việc vì phải theo dõi liên tục hiện tượng bất thường của trẻ sơ sinh mắc bệnh hiểm nghèo.
8 Trực tiếp khám, điều trị, phục vụ bệnh nhân ung thư, bỏng, xuất huyết não, liệt, chấn thương cột sống, sọ não, trẻ em bại não.Công việc nặng nhọc, thường xuyên tiếp xúc với mủ, phân, nước tiểu bẩn thiểu, hôi thối.
9 Chuyên xét nghiệm bệnh tối nguy hiểm (dịch tả, dịch hạch, viêm gan, viêm não, HIV và các bệnh lạ nguy hiểm khác)Làm việc trong phòng kín, tiếp xúc với hoá chất độc, vi sinh vật gây bệnh tối nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao.
10 Diệt chuột, con trùng và vi khuẩn gây bệnh.Thường xuyên tiếp xúc với ổ bệnh, dịch nguy hiểm và hoá chất độc mạnh.
11 Điều trị, chăm sóc bệnh nhân cai nghiện.Công việc nguy hiểm, căng thẳng thần kinh tâm lý; tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
12 Vận hành xử lý hệ thống chất thải và nạo vét cống rãnh trong bệnh viện.Công việc thủ công, nặng nhọc; thường xuyên tiếp xúc với bẩn, hôi thối và nguồn lây nhiễm cao.
13 Giặt quần áo bệnh nhân bằng tay.Công việc nặng nhọc, ẩm ướt; thường xuyên tiếp xúc với hoá chất tẩy rửa và các hoá chất có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.
14 Sản xuất bột thạch cao (đập đá, sắp đá vào lò, đốt lò, ra lò, xay, đóng hộp.Công việc thủ công nặng nhọc; chịu ảnh hưởng của nhiệt độ cao, bụi silíc, khí CO, CO2 vượt tiêu chuẩn cho phép.
>>> Luật sư tư vấn điều kiện ngành nghề hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại: 1900.6568
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, bạn đang làm việc cho một trung tâm phòng chống HIV/ AIDS. Bạn phải tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày, tuy nhiên bạn làm bảo vệ và không thuộc một trong các trường hợp trên nên không được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật. Chỉ những người "trực tiếp khám, điều trị, phục vụ người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS" mới được hưởng chế độ đó theo quy định của pháp luật.