Sổ hộ khẩu không có chữ ký trưởng công an có hợp pháp không? Thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú.
Sổ hộ khẩu không có chữ ký trưởng công an có hợp pháp không? Thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin văn phòng luật sư tư vấn cho tôi, tôi có chút thắc mắc sau. Con tôi vừa sinh hồi đâu năm. Tôi đã đi làm giấy khai sinh và nhập khẩu cho cháu rồi. Nhưng trong hộ khẩu lại chưa có dấu và chữ kí của trưởng hay phó công an. Vậy cho tôi hỏi tôi có thể mang ra văn phòng công chứng đóng dấu kí tên được không vì tôi đi làm xa không đi ngày thường được chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Tôi xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Trình tự, thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ sơ sinh sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú, cụ thể công dân khi thực hiện đăng ký thường trú cho trẻ sơ sinh thì phải chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA như sau:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
– Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (sau đây viết gọn là Nghị định số 31/2014/NĐ-CP) Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.
– Giấy khai sinh của con bạn.
Hồ sơ nộp tại Công an huyện, quận, thị xã đối với đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương hoặc Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Sau khi nhận hồ sơ, phía bên cơ quan thẩm quyền sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký thường trú, nếu hồ sơ hợp lệ thì sẽ được chuyển lên cho Trưởng Côn an huyện, quân thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Trưởng Công an thị xã, thanh phố thuộc tỉnh, Trưởng công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh để họ ký và đóng dấu vào sổ hộ khẩu theo quy định tại Khoản 6 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA: “6. Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Trưởng công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh là người có thẩm quyền ký sổ hộ khẩu.”
>>> Luật sư tư vấn về hình thức sổ hộ khẩu gia đình: 1900.6568
Kể từ ngày có chữ ký và con dấu của những người có thẩm quyền nêu trên thì trẻ sơ sinh mới được coi đã nhập khẩu.
Bạn có trình bày, bạn đã nhập khẩu cho con bạn nhưng không có chữ ký và dấu của Trưởng công an như vậy việc nhập khẩu của bạn cho con là không có giá trị pháp lý, bạn nên đến cơ quan có thẩm quyền để hỏi họ xem trường hợp của bạn có xin được chữ ký của Trưởng công an hay không, hay bạn phải làm lại đăng ký thường trú cho con bạn.
Khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014 quy định phạm vi điều chỉnh như sau:
“1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”
Theo quy định này thì chỉ công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quan hệ dân sự. Việc bạn đăng ký thường trú cho con là quan hệ hành chính và phải có xác nhận, chữ ký, con dấu của cơ quan có thẩm quyền thì mới có giá trị pháp lý. Do đó bạn không mang sổ hộ khẩu ra văn phòng công chứng để đóng dấu, ký tên được.