Khi nào phạm tội giết nhiều người? Cấu thành tội phạm tội giết người.
Khi nào phạm tội giết nhiều người? Cấu thành tội phạm tội giết người.
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho em hỏi: Trong 1 vụ án có 2 nạn nhân A và B. Nạn nhân A bị đâm chết. Nạn nhân B cũng bị đâm nhưng B nhẹ hơn và đã điều trị lành vết thương. Như vậy có kết luận được thủ phạm nằm ở khung tội giết nhiều người không ạ? Khi nạn nhân B làm giám định thương tật, nếu đã nằm trong khung giết nhiều người vậy tỉ lệ giám định có quyết định kết quả cũng như tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ của khung án giết nhiều người không ạ? Mong luật sư hồi đáp sớm giúp em ạ.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự 1999:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
Tội giết người có các dấu hiệu cơ bản sau:
– Hành vi khách quan là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác. Hành vi này có thể biểu hiện bằng 1 trong 2 dạng hành động (đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, treo cổ, trói ném xuống vực, xuống sông, chôn sống,…) hoặc không hành động (để mặc cho một người chết).
– Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý: Cố ý giết người là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết. Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người được biểu hiện khác nhau:
+) Dạng biểu hiện thứ nhất là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tát yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó phát sinh. Loại biểu hiện này rõ nét. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm v.v… còn gọi là cố ý có dự mưu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trước khi hành động, người phạm tội không có thời gian chuẩn bị nhưng họ vẫn thấy trước được hậu quả tất yếu xảy ra và cũng mong muốn cho hậu quả phát sinh.
+) Dạng biểu hiện thứ hai là trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra.
+) Dạng biểu hiện thứ ba là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Như vậy để có căn cứ kết tội giết nhiều người, Tòa án không phụ thuộc vào số lượng người chết trên thực tế mà căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn tước đoạt tính mạng từ 2 người trở lên. Do đó trong trường hợp của bạn, nạn nhân A chết, nạn nhân B bị thương và đã chữa trị khỏi, cần xác định ý thức của người thực hiện hành vi. Nếu người đó mong muốn cả A và B chết bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết nhiều người theo điểm a khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự 1999.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
Tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật hình sự 1999 quy định:
2. Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Vì giết nhiều người là yếu tố định khung hình phạt nên không được coi là tình tiết tăng nặng.
Vì vậy nếu người thực hiện hành vi bị khởi tố về tội giết nhiều người thì kết luận giám định thương tật của B không được coi là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.