Hướng dẫn 15-HD/BTCTW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết 42-NQ/TW và Kết luận 24-KL/TW do Ban Tổ chức Trung ương ban hành
HƯỚNG DẪN
VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT SỐ 42-NQ/TW NGÀY 30/11/2004 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) VÀ KẾT LUẬN SỐ 24-KL/TW NGÀY 05/6/2012 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA XI)
(thay cho Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 21-10-2008 của Ban Tổ chức Trung ương)
Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ đến năm 2020 và những năm tiếp theo, sau khi trao đổi, tiếp thu ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan liên quan, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, như sau:
I. NHỮNG YÊU CẦU CHUNG VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH CÁN BỘ
1. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là công tác phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của đất nước.
Đề án quy hoạch cán bộ là kế hoạch tổng thể, dài hạn về đội ngũ cán bộ có triển vọng đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng số cán bộ đó theo quy hoạch.
2. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tế đội ngũ cán bộ; phải gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông quy hoạch của cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị:
– Để quy hoạch cán bộ sát với thực tiễn và có tính khả thi, phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ để xác định tiêu chuẩn, cơ cấu đội ngũ cán bộ trong quy hoạch (trình độ, ngành nghề, lĩnh vực công tác, độ tuổi, nam, nữ, dân tộc…); phải nắm chắc đội ngũ cán bộ hiện có, dự báo được nhu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài, trên cơ sở đó mới tiến hành lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ theo quy hoạch.
– Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được xây dựng trên cơ sở quy hoạch cấp ủy đảng các cấp, lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch ở cấp trên, bảo đảm sự liên thông, gắn kết giữa quy hoạch của các địa phương, ban, bộ, ngành với nhau; giữa quy hoạch cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương với quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3. Phải đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch:
3.1. Nội dung đánh giá: Căn cứ để lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch là tiêu chuẩn chức danh cán bộ, bao gồm tiêu chuẩn chung của cán bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ, theo các nội dung cơ bản sau:
– Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: nhận thức, tư tưởng chính trị; việc chấp hành chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc giữ gìn đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; tinh thần tự học tập nâng cao trình độ; tính trung thực, công bằng, khách quan, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác; việc chấp hành chính sách, pháp luật của vợ, chồng, con; mối quan hệ với nhân dân…
– Năng lực thực tiễn: thể hiện ở kết quả, hiệu quả công tác; tính chủ động, sáng tạo; mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; khả năng đoàn kết, tập hợp, quy tụ cán bộ; năng lực điều hành, tổ chức thực hiện; khả năng dự báo tình hình, xử lý những tình huống phức tạp phát sinh trong ngành, lĩnh vực, địa phương công tác.
– Uy tín: thể hiện thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm và kết quả đánh giá cán bộ.
– Sức khoẻ: bảo đảm sức khoẻ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh quy hoạch.
– Chiều hướng, triển vọng phát triển, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được bố trí vào chức vụ cao hơn.
3.2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch:
– Người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ;
– Tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ sở nơi cán bộ công tác đánh giá (sau khi đã tham khảo ý kiến của chi ủy nơi cán bộ cư trú về bản thân và gia đình cán bộ).
– Cấp có thẩm quyền quy hoạch cán bộ (ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị) xem xét đánh giá, kết luận.
Kết luận về đánh giá cán bộ được thể hiện bằng văn bản, công khai trong tập thể ban thường vụ; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị (đối với các đơn vị sự nghiệp) hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Cấp có thẩm quyền quy hoạch cán bộ quyết định hình thức công khai đánh giá đối với cán bộ.
Kết quả đánh giá cán bộ hằng năm (không quá 6 tháng tới thời điểm xem xét) được sử dụng cho việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch; trường hợp cán bộ có vấn đề mới phát sinh thì đánh giá, kết luận bổ sung.
Luật sư
4. Quy hoạch cán bộ phải bảo đảm phương châm “mở” và “động”:
– Quy hoạch “mở” được hiểu là một chức danh cần quy hoạch một số người và một người có thể quy hoạch vào một số chức danh; giới thiệu cán bộ vào quy hoạch không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, không chỉ đưa vào quy hoạch những cán bộ tại chỗ mà cần xem xét, đưa vào quy hoạch cả các đồng chí có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và triển vọng đảm nhiệm chức danh quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác.
Đối với cán bộ có trong quy hoạch ở nơi khác, được đề xuất, giới thiệu vào quy hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị mình, cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ (ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, vụ (ban) tổ chức cán bộ các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương) cần liên hệ với cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đang công tác để thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào quy hoạch,
Cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm bổ sung nhân sự từ nơi khác vào quy hoạch của cấp dưới.
– Quy hoạch “động” là quy hoạch đựợc định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh theo sát sự phát triển của cán bộ; kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không có triển vọng phát triển hoặc uy tín thấp qua lấy phiếu tín nhiệm hằng năm; bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng phát triển.
5. Mối quan hệ giữa quy hoạch cán bộ và bố trí nhân sự:
– Bố trí nhân sự là lựa chọn cán bộ trong quy hoạch để bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đảm đương ngay vị trí lãnh đạo, quản lý khi có nhu cầu hoặc khi đến kỳ đại hội đảng, bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp…
– Quy hoạch cán bộ là tạo nguồn để chủ động chuẩn bị cán bộ cho việc bổ nhiệm, bố trí nhân sự nêu trên.
Cán bộ trong quy hoạch là những đồng chí có triển vọng đảm nhận chức danh quy hoạch, do vậy, ở thời điểm đưa vào quy hoạch không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn của chức danh quy hoạch, mà cần được rèn luyện, thử thách, đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn của chức danh quy hoạch. Các điều kiện về kinh qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở cấp dưới, về độ tuổi, về trình độ đào tạo quy định trong Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) không phải là tiêu chuẩn để đưa cán bộ vào quy hoạch, mà là tiêu chuẩn cần có để được bổ nhiệm hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
6. Quy hoạch đối với cán bộ đương chức:
Thống nhất thực hiện chủ trương quy hoạch cán bộ lên chức vụ cao hơn, không quy hoạch tái cử, tái bổ nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm khi xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo, cũng như khi rà soát, bổ sung quy hoạch của nhiệm kỳ hiện tại. Các đồng chí đương nhiệm về nguyên tắc đã phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ đang đảm nhiệm, nếu có triển vọng phát triển thì đưa vào quy hoạch chức vụ cao hơn; nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện tiếp tục tái cử thì là nguồn đương nhiên để xem xét khi tiến hành công tác nhân sự của khóa mới.
Ví dụ: Đồng chí Nguyễn Văn A hiện là Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 thì trong các đợt giới thiệu quy hoạch nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo hoặc rà soát, bổ sung quy hoạch trong nhiệm kỳ 2010-2015 sẽ không đưa đồng chí Nguyễn Văn A vào quy hoạch chức danh Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy; nếu đồng chí có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và triển vọng làm Phó Bí thư hoặc Bí thư Tỉnh ủy thì đưa đồng chí vào danh sách quy hoạch Phó Bí thư hoặc Bí thư Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Văn B hiện là Thứ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016, thì trong các đợt giới thiệu quy hoạch nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo hoặc rà soát bổ sung quy hoạch trong nhiệm kỳ 2011 -2016 sẽ không đưa đồng chí Nguyễn Văn B vào quy hoạch chức danh Thứ trưởng; nếu đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện và triển vọng làm Bộ trưởng thì đưa đồng chí vào quy hoạch chức danh Bộ trưởng.
Theo tinh thần trên, các đồng chí ủy viên ban chấp hành đương nhiệm ở các địa phương nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được quy hoạch lên cao hơn (ủy viên thường vụ, phó bí thư hoặc bí thư cấp ủy) mới đưa vào danh sách quy hoạch cao hơn của nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ mới. Các đồng chí thứ trưởng và tương đương ở ban, bộ, ngành nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được quy hoạch lên chức vụ trưởng ban, bộ trưởng và tương đương, mới đưa vào danh sách quy hoạch cấp trưởng của nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ mới. Các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy và bộ trưởng đương nhiệm sẽ không đưa vào danh sách quy hoạch của các địa phương, bộ, ngành; các đồng chí này nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ được quy hoạch lên các chức vụ cao hơn ở Trung ương, ban, bộ, ngành, địa phương khác.
– Đối với cán bộ đảm nhiệm chức danh có quy định một người không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, cần xem xét đưa vào quy hoạch chức vụ khác, hoặc bố trí giữ chức vụ đó ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác.
7. Số lượng nguồn đưa vào quy hoạch:
– Đối với quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy các cấp, cần bảo đảm nguồn quy hoạch có số lượng 1,5 – 2 lần so với số lượng cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy đương nhiệm.
– Đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý, tối thiểu phải quy hoạch 2-3 người vào 01 chức danh; không quy hoạch 01 người cho 01 chức danh.
– Không quy hoạch 1 người vào quá 3 chức danh; không quy hoạch 01 chức danh quá 4 người (ví dụ: chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định có 3 người, thì số lượng đưa vào quy hoạch không quá 3 x 4 = 12 người).