Nghị định 63/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là xe cơ giới) và việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý, kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
2. Nghị định này không áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện kiểm định xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kiểm định xe cơ giới (sau đây gọi tắt là kiểm định) là việc kiểm tra định kỳ về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
2. Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận kiểm định) là chứng chỉ xác nhận xe cơ giới đã được kiểm định và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
3. Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (sau đây gọi tắt là đơn vị đăng kiểm) là các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ công thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới.
4. Xưởng kiểm định là khu vực bố trí các vị trí, thiết bị kiểm tra, thiết bị hỗ trợ, dụng cụ kiểm tra.
5. Dây chuyền kiểm định là nơi bố trí vị trí kiểm định, lắp đặt các thiết bị kiểm tra. Dây chuyền kiểm định gồm có hai loại:
a) Dây chuyền kiểm định loại I: Kiểm định được xe cơ giới có khối lượng khi kiểm định phân bố lên mỗi trục đơn đến 2.000 kg;
b) Dây chuyền kiểm định loại II: Kiểm định được xe cơ giới có khối lượng khi kiểm định phân bố lên mỗi trục đơn đến 13.000 kg.
6. Người đứng đầu đơn vị đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai các quy định trong kiểm định tại đơn vị đăng kiểm, người ký giấy chứng nhận kiểm định.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới
1. Chỉ những tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
2. Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới không được kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới hoặc có liên quan trực tiếp với tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới là công ty cổ phần thì tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới chỉ được nắm giữ không quá 10% cổ phần của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Chương II
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI
Điều 5. Điều kiện chung về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới
1. Việc thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp Quy hoạch tổng thể mạng lưới các đơn vị đăng kiểm và dây chuyền kiểm định.
2. Tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực theo quy định tại Chương này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Mục 1. ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ VẬT CHẤT
Điều 6. Diện tích mặt bằng của đơn vị đăng kiểm
1. Đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại I, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.250 m2.
2. Đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại II, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.500 m2.
3. Đối với đơn vị đăng kiểm có hai dây chuyền kiểm định, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 2.500 m2.
4. Đối với đơn vị đăng kiểm có từ ba dây chuyền kiểm định trở lên thì diện tích sử dụng cho hoạt động kiểm định từ dây chuyền thứ 3 trở lên tăng thêm tương ứng cho mỗi dây chuyền không nhỏ hơn 625 m2.
Điều 7. Xưởng kiểm định
1. Xưởng kiểm định chỉ có một dây chuyền kiểm định loại I: Kích thước thông xe tối thiểu (Dài x Rộng x Cao) là 30 x 4 x 3,5 (m).
2. Xưởng kiểm định chỉ có một dây chuyền kiểm định loại II: Kích thước thông xe tối thiểu (Dài x Rộng x Cao) là 36 x 5 x 4,5 (m).
3. Đối với xưởng kiểm định có nhiều dây chuyền kiểm định bố trí cạnh nhau thì khoảng cách giữa tâm các dây chuyền kiểm định không nhỏ hơn 4 m và khoảng cách từ tâm dây chuyền ngoài cùng đến mặt trong tường bao của xưởng kiểm định không nhỏ hơn 2,5 m.
4. Đối với trường hợp dây chuyền kiểm định bố trí tại nhiều xưởng kiểm định thì tổng chiều dài tối thiểu các xưởng kiểm định phải bằng chiều dài tương ứng với loại dây chuyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 8. Nhà văn phòng, bãi đỗ xe, đường nội bộ
1. Đơn vị đăng kiểm có nhà văn phòng, phòng chờ cho lái xe và người đưa xe vào kiểm định (sau đây gọi tắt là chủ xe).
2. Hệ thống đường cho xe cơ giới ra vào xưởng kiểm định, đường giao thông nội bộ, chiều rộng mặt đường không nhỏ hơn 3 m, bãi đỗ xe phải được phủ bê tông nhựa đường hoặc bê tông xi măng.
Điều 9. Thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra
1. Thiết bị kiểm tra của một dây chuyền kiểm định gồm:
a) Thiết bị kiểm tra phanh;
b) Thiết bị cân khối lượng;
c) Thiết bị đo độ trượt ngang của bánh xe;
d) Thiết bị phân tích khí xả;
đ) Thiết bị đo độ khói;
e) Thiết bị đo độ ồn. Đối với đơn vị đăng kiểm có từ 02 dây chuyền kiểm định trở lên bố trí trong cùng một xưởng kiểm định thì chỉ cần trang bị tối thiểu 01 thiết bị đo độ ồn;
g) Thiết bị kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước;
h) Thiết bị hỗ trợ kiểm tra gầm;
i) Thiết bị nâng (cầu nâng) xe cơ giới hoặc hầm kiểm tra;
k) Thiết bị gia tải động cơ (đối với trường hợp thực hiện quy trình kiểm tra khí thải của xe cơ giới bằng phương pháp có gia tải).
2. Thiết bị kiểm tra của mỗi dây chuyền kiểm định có thể bố trí trong nhiều xưởng kiểm định hoặc ngoài xưởng kiểm định.
3. Thiết bị kiểm tra phải đảm bảo:
a) Có chương trình phần mềm điều khiển tập trung, thống nhất, có chức năng điều khiển quá trình hoạt động của thiết bị theo quy trình kiểm định, cài đặt được các tiêu chuẩn đánh giá, thiết lập trình tự kiểm định tùy thuộc vào phương án bố trí thiết bị kiểm tra (trừ các thiết bị quy định tại điểm b, điểm h và điểm i khoản 1 Điều này);
b) Chương trình phần mềm điều khiển phải có ngôn ngữ tiếng Việt cho tất cả các tính năng;
c) Cơ sở dữ liệu của chương trình phần mềm điều khiển phải được bảo mật theo yêu cầu của việc kiểm định và kết nối được để truyền dữ liệu về cơ sở dữ liệu kiểm định xe cơ giới chung của cả nước tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.
4. Thiết bị kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng và trong quá trình sử dụng phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định; tính năng kỹ thuật của thiết bị phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn.
5. Dụng cụ kiểm tra đối với một dây chuyền kiểm định gồm:
a) Dụng cụ kiểm tra áp suất hơi lốp;
b) Đèn soi;
c) Búa chuyên dùng kiểm tra;
d) Thước đo chiều dài;
đ) Kích trên hầm kiểm tra (nếu có hầm kiểm tra).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568