Giải quyết tranh chấp khi có hành vi lấn chiếm đất đai. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai.
Giải quyết tranh chấp khi có hành vi lấn chiếm đất đai. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư gia đình em đang xảy ra tranh chấp đất với hàng xóm. Cụ thể là lúc trước hàng xóm xây hàng rào bum bục làm ranh đúng diện tích đất của mình, nhưng sau lại xây hàng rào kẻm rai lên vị trí cũ, nhà em cũng xem như bình thường. Nhưng về sau lại xây hàng rào gạch và lợp mái tôn kiên cố. Lúc đó nhà em có ra nói chuyện với hàng xóm là lấn đất nhà em. Hàng xóm nói chuyện rất nghịch lí và xúc phạm ngoại em. Nên ngoại em kiện ra tòa và tòa có cho địa chính xuống đo đạc, thấy kết quả đo đạc thì hàng xóm lấn đất nhà em. Và giờ tòa kêu lên xử nhưng hàng xóm có luật sư biện hộ. Còn nhà em thì không có tiền mướn luật sư. Em sợ miệng dân ở quê không biết nhiều về luật thì sẽ bị thua thiệt. Nên kính mong luật sư giải đáp sớm giúp em biết nhà em có khả năng thắng kiện và đòi được đất của mình không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 166 Luật đất đai 2013 thì người sử dụng đất có quyền:
“…
5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
…
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.”
Như bạn trình bày, người hàng xóm xây dựng hàng rào lấn chiếm sang thửa đất nhà bạn thì bạn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về hành vi vi phạm tới cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013 như sau:
"Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành."
Như vậy, nếu gia đình bạn có căn cứ chứng minh đất đai thuộc sở hữu của mình, đồng thời đưa ra được căn cứ rõ ràng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì gia đình bạn hoàn toàn có lợi trong việc giải quyết tranh chấp. Không phải mọi trường hợp có luật sư sẽ thắng kiện, quan trọng là các căn cứ pháp lý đưa ra để bảo vệ quyền lợi cho gia đình bạn.
Nếu xác định nhà hàng xóm có hành vi lấn chiếm đất nhà bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này."