Phân tích khái niệm tội phạm và dấu hiệu khách quan trong đồng phạm. Quy định tội gián điệp.
Phân tích khái niệm tội phạm và dấu hiệu khách quan trong đồng phạm. Quy định tội gián điệp.
Tóm tắt câu hỏi:
1. Phân tích khái niệm tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999, từ đó rút ra ý nghĩa đối với công tác công an.
2. Phân tích dấu hiệu khách quan trong đồng phạm. Có ý kiến cho rằng người đã nhận làm gián điệp nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền được miễn trách nhiệm hình sự vì đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Ý kiến đó đúng hay sai? Giải thích tại sao?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Phân tích khái niệm tội phạm: Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999 quy định khái niệm tội phạm như sau:
"1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa."
– Hành vi nguy hiểm cho xã hội: Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi đã gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Các quan hệ đó là: độc tập, chủ quyền, thống nhất. toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, Nên văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp cửa tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe. danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân. xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghiã. Nếu thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra không đáng kể thì không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội và không bị coi là hành vi phạm tội. Việc đánh giá hành vi nào là hành vi nguy hiểm cho xã hội phụ thuộc vào tình hình phát triển của xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Khi đã xác định một hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng tức là đã coi hành vi đó là hành vi phạm tội tuy nhiên người thực hiện hành vi đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không còn phải căn cứ vào các yếu tố khác như. tuổi chịu trách nhiệm hình sự, lỗi và các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự
– Hành vi nguy hiểm cho xã hội phải được quy định trong Bộ luật hình sự: Việc nhà làm luật quy định chỉ những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự mới là tội phạm là nhằm gạt bỏ việc áp dụng nguyên tắc tương tự. Chỉ có Bộ luật hình sự quy định về tội phạm, không có văn bản pháp.luật nào khác được quy định tội phạm.
– Chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự: Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng đều là chủ thể của tội phạm, mà chỉ những người có năng lực trách nhiệm hình sự mới là chủ thể của tội phạm.
+ Bộ luật hình sự không quy định năng lực trách nhiệm hình sự là gì, mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 13 Bộ luật Hình sự) và tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật Hình sự). Từ quy định này, có thể hiểu chủ thể của tội phạm phải là người có độ tuổi nhất định, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải là người có lỗi: Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
+ Khoa học luật hình sự coi lỗi là một dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Nếu một hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị coi là có lỗi thì người có hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (không đủ yếu tố cấu thành tội phạm).
+ Tội phạm là hành vi có lỗi, tính có lỗi là thuộc tính cơ bản của tội phạm, là cơ sở để buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự vế hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và hậu quả của hành vi đó gây ra. Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận hình thức buộc tội khách quan; tội phạm là hành vi tổng hợp các yếu tố chủ quan và khách quan, các yếu tố này có liên quan chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất (tội phạm là sự thống nhất giữa mặt chủ quan và mặt khách quan).
– Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội bị xâm phạm mà các quan hệ xã hội đó được Bộ luật hình sự bảo vệ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Đây cũng là một đặc điểm mà thiếu nó thì không phải là tội phạm. Các quan hệ xã hội thì có nhiều, do nhiều ngành luật điều chỉnh, nhưng Bộ luật hình sự chỉ bảo vệ những quan hệ có liên quan trực tiếp đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân và nhưng lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Khách thể là một yếu tố rất quan trọng của tội phạm; các hành vi xâm phạm đến các quan hệ xã hội không phải là khách thể của tội phạm thì không phải là tội phạm; hiểu rõ khách thể của tội phạm giúp chúng ta xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.
2. Phân tích dấu hiệu khách quan trong đồng phạm:
Khoản 1 Điều 20 Bộ luật hình sự 1999 quy định đồng phạm như sau: "1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm." Các dấu hiệu khách quan như sau:
– Có từ 2 người trở lên (đều có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm).
– Cùng thực hiện một tội phạm (bất kỳ người nào tham gia đều nhằm thực hiện tội phạm hoặc thúc đẩy thực hiện tội phạm), biểu hiện qua các hành vi:
+ Hành vi thực hiện tội phạm (người thực hành)
+ Hành vi tổ chức thực hiện tội phạm (người tổ chức)
+ Hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm (người xúi giục)
+ Hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm (người giúp sức)
– Hành vi của những người tham gia phải có sự liên kết thống nhất với nhau mới được coi là đồng phạm, biểu hiện qua:
+ Hành vi của người này phải là tiền đề cho hành vi của người khác
+ Hành vi của mỗi người phải có mối quan hệ nhân quả với việc thực hiện tội phạm chung và hậu quả của tội phạm chung đó.
* Khẳng định đúng sai: Căn cứ Khoản 3 điều 80 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội gián điệp như sau:
"3. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự."
Như vậy, nhận định trên là đúng.