Thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho người nước ngoài. Quy định về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho người nước ngoài. Quy định về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một người bạn quốc tịch Ấn Độ muốn xin vào Việt Nam khai thác khoáng sản. Vậy làm thế nào để một người nước ngoài được cấp phép khai thác khoáng sản tại Việt Nam, xin nhờ luật sư tư vấn giúp (mong muốn khai thác bất cứ khoáng sản gì của Việt Nam cũng được).
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 51 Luật Khoáng sản 2010 quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản như sau:
– Tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản được khai thác khoáng sản bao gồm:
+ Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2014;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
– Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 53 Luật Khoáng sản 2010 quy định tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản có đủ các điều kiện sau đây:
– Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 10 của Luật khoáng sản 2010. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; đối với khoáng sản độc hại còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản;
– Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Như vậy, đối với người nước ngoài muốn khai thác khoáng sản tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định Luật đầu tư 2014. Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì tiến hành thành lập doanh nghiệp theo quy định Luật doanh nghiệp 2014, Luật hợp tác xã 2012. Sau đó xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định Luật khoáng sản 2010 đồng thời phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 53 Luật khoáng sản 2010 như trên.
* Thứ nhất, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Bạn của bạn nên tham khảo Điều 30, Điều 31, Điều 32 Luật đầu tư 2014 để xem xét việc khai thác khoáng sản có thuộc chủ trương đầu tư hay không? Nếu thuộc chủ trương đầu tư thì bạn của bạn phải thực hiện theo chủ trương đầu tư. Nếu không thuộc chủ trương đầu tư, bạn của bạn chuẩn bị hồ sơ theo quy định Khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư 2014 như sau:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
– Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
– Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
– Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
– Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật đầu tư 2014 gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
– Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh.
* Thứ hai, thủ tục đăng ký kinh doanh: Bạn của bạn nên xem xét các loại hình doanh nghiệp theo quy định Luật doanh nghiệp 2014, bạn của bạn tham khảo quy định tại Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Luật doanh nghiệp 2014 để biết về thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
– Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh.
* Thứ ba, thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản: Căn cứ Khoản 1 Điều 59 Luật khoáng sản 2010 quy định hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản;
– Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản;
– Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt và bản sao giấy chứng nhận đầu tư;
– Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường;
– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì phải có văn bản xác nhận trúng đấu giá;
– Văn bản xác nhận vốn chủ sở hữu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 53 của Luật khoáng sản 2010.
Thẩm quyền giải quyết: Bộ tài nguyên môi trường.