Không phải Đảng viên có được làm đại biểu Hội đồng nhân dân. Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân.
Không phải Đảng viên có được làm đại biểu Hội đồng nhân dân. Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tóm tắt câu hỏi:
Nhờ luật sư trả lời giúp tôi: Vợ tôi được thôn đưa vào danh sách ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân và không trúng dù được phiếu bầu cao, lý do không được là chính quyền nói vợ tôi chưa phải là đảng viên, mà vợ tôi đã học cảm tình đảng, đang chờ đợt tới kết nạp. Luật sư giải đáp thắc mắc cho tôi trong trường hợp này.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015;
– Hướng dẫn 38-HD/BTCTW.
2. Luật sư tư vấn:
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.
Theo Điều 2 và Điều 3 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 thì tiêu chuẩn của người ứng cử và tuổi bầu cử, ứng cử được xác định như sau: tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương. Như vậy, để được ứng cử là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì người ứng cử phải đủ 21 tuổi trở lên và phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 xác định tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân như sau: trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
Như vậy, khi đạt đủ các yếu tố trên thì một người hoàn toàn có đủ điều kiện ứng cử trở thành đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã mà không nhất thiết phải là Đảng viên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Ngoài ra, tại mục 3 Hướng dẫn 38-HD/BTCTW về công tác nhân sự đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 thì ngoài các tiêu chuẩn chung thì tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, ở cấp xã, cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là ủy viên ban thường vụ Đảng ủy xã. Điều này có nghĩa là người ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là Đảng viên.
Đối chiếu với những quy định trên thì bạn có thể xem xét xem vợ mình thuộc trường hợp nào. Nếu không đồng ý với kết quả bầu cử, bạn có thể khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và gửi đến Ủy ban bầu cử chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.