Hình thức xử lý vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu theo. Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
Hình thức xử lý vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu theo Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 .
Các cá nhân thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Đấu thầu năm 2013;
– Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT;
– Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
2. Luật sư tư vấn:
Cùng với nâng cao chất lượng của cán bộ trực tiếp tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu, việc chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng của cơ sở đào tạo đấu thầu cũng quan tâm hơn. Bên cạnh một số cơ sở đào tạo đấu thầu có uy tín vẫn còn một vài cơ sở vì chạy theo lợi nhuận đã coi nhẹ chất lượng đào tạo, thậm chí có hiện tượng vi phạm quy định như: cắt giảm thời lượng đào tạo, sử dụng giảng viên không có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để giảng dạy trong những khóa cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu cơ bản; một số cơ sở đào tạo có hiện tượng cấp khống chứng chỉ, cấp chứng chỉ cho những học viên không đủ điều kiện; chương trình giảng dạy ở một số khóa đào tạo chưa cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu mới được ban hành, ngân hàng đề kiểm tra của các cơ sở đào tạo còn nghèo nàn, nhiều trường hợp câu hỏi và đáp án chưa thống nhất với nhau; nhiều cơ sở đào tạo không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ… Do đó, để nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo, Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT đã bổ sung chế tài xử lý đối với những vi phạm trong hoạt động đào, bồi dưỡng về đấu thầu. Cụ thể có các chế tài như: (i) Không thẩm định để công nhận cơ sở đào tạo đấu thầu trong thời gian 02 năm… (ii) Xóa tên cơ sở đào tạo đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia… (iii) Cảnh cáo cơ sở đào tạo đấu thầu…
Theo đó, các hình thức xử lý vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu Điều 34 Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 được quy định như sau:
“1. Đối với cơ sở đào tạo đấu thầu:
a) Tổ chức đăng ký cơ sở đào tạo đấu thầu không được thẩm định để công nhận cơ sở đào tạo đấu thầu trong thời gian 02 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 33 Thông tư này;
b) Xóa tên cơ sở đào tạo đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e và g Khoản 1 Điều 33 Thông tư này;
c) Cảnh cáo cơ sở đào tạo đấu thầu đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm h, i Khoản 1 Điều 33 Thông tư này. Cơ sở đào tạo đấu thầu bị hai lần cảnh cáo sẽ bị xóa tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
2. Đối với giảng viên đấu thầu:
a) Cá nhân đăng ký giảng viên đấu thầu không được thẩm định để công nhận giảng viên đấu thầu trong thời gian 02 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 33 Thông tư này;
b) Xóa tên giảng viên đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, b Khoản 2 Điều 33 Thông tư này;
c) Cảnh cáo giảng viên đấu thầu đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 33 Thông tư này. Giảng viên đấu thầu bị hai lần cảnh cáo sẽ bị xóa tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
3. Đối với cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu:
a) Không được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu trong thời gian 02 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 33 Thông tư này;
b) Thu hồi chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu trong thời gian 02 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, b Khoản 3 Điều 33 Thông tư này;
c) Thu hồi chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu trong thời gian 03 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản 3 Điều 33 Thông tư này.
4. Đối với cá nhân được cấp chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản:
a) Thu hồi chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản khi cá nhân vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 33 Thông tư này;
b) Thu hồi chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản khi cá nhân vi phạm quy định tại các Điểm b, c Khoản 4 Điều 33 Thông tư này. Trong trường hợp này, cá nhân không được cấp chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản trong thời gian 02 năm kể từ ngày bị thu hồi chứng chỉ đã cấp.
5. Ngoài các hình thức xử lý vi phạm theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo các hình thức quy định tại Điều 121
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu.”
Các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu quy định tại Điều 121 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP bao gồm:
– Cảnh cáo, phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
– Cấm tham gia hoạt động đấu thầu được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 89 của Luật Đấu thầu năm 2013 và Khoản 8 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
– Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự.
– Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
>>> Luật sư tư vấn pháp
Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung quy định về chứng chỉ hành nghề đấu thầu nhằm từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu thầu, nâng cao vị thế nghề đấu thầu. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế trên thế giới, khi các chuyên gia mua sắm quốc tế thường phải có chứng chỉ/bằng CIPS (Chứng chỉ về đấu thầu) để xác nhận trình độ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực mua sắm/đấu thầu theo từng cấp độ. Nội dung đào tạo theo chứng chỉ này bao trùm từ việc đào tạo kỹ năng đánh giá nhu cầu và nguồn cung của thị trường để tổng hợp nhu cầu mua sắm; xác định các yêu cầu đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ, công trình cũng như mức giá phù hợp của hàng hóa, dịch vụ, công trình để đưa ra các yêu cầu phù hợp trong hồ sơ mời thầu; kỹ năng lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; kỹ năng về thương mại điện tử (bao gồm đấu thầu qua mạng, E-sourcing); kỹ năng lập và quản lý hợp đồng, xử lý các phát sinh hoặc tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng… Tuy nhiên, với tình hình Việt Nam hiện nay, nếu ngay lập tức đặt ra yêu cầu các cán bộ làm công tác đấu thầu phải có chứng chỉ hành nghề thì sẽ không phù hợp vì cần phải có một khoảng thời gian nhất định để tổ chức tập huấn, đào tạo, phổ biến tuyên truyền các quy định mới về đấu thầu cũng như chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ các kỳ thi sát hạch cho việc cấp chứng chỉ hành nghề đấu thầu bảo đảm chất lượng và đạt hiệu quả. Vì vậy, việc quy định lộ trình áp dụng đối với nội dung về chứng chỉ hành nghề là phù hợp và cần thiết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến tuyên truyền các quy định mới về đấu thầu và từng bước xây dựng, thực hiện các đề án, chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đấu thầu cũng như các cán bộ quản lý nhà nước về đấu thầu trên phạm vi toàn quốc.