Có được chuyển từ chuyên viên sang ngạch cán sự. Quy định về chuyển ngạch, nâng ngạch. Điều kiện cộng dồn hưởng bảo hiểm xã hội.
Có được chuyển từ chuyên viên sang ngạch cán sự. Quy định về chuyển ngạch, nâng ngạch. Điều kiện cộng dồn hưởng bảo hiểm xã hội.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào Luật Sư ! Tôi có một số câu hỏi muốn nhờ Luật sư giải đáp giúp tôi nhé: 1./ Tôi học cao đẳng (hệ chính qui) được hưởng bậc 5/8 (3.89) từ năm 2008; đến năm 2011 thay vì được lên bậc 6/8 thì Công ty tôi chuyển sang ngạch cán sự 12/12 (3.89). Việc chuyển từ chuyên viên sang cán sự đối với người có bằng Cao đằng căn cứ vào văn bản nào? Có đúng luật không? 2./ Cách tính phụ cấp thâm niên vượt khung của tôi đến nay sẽ được tính như thế nào? hiện tại tôi chưa được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung. 3./ Tôi nhập ngũ năm 1981 và học Sĩ quan trong Quân đội, năm 1984 tôi ra trường hưởng lương Trung Úy, và năm 1993 tôi chuyển ngành (Đại úy) và đi học cao đằng (Hệ chính qui). Tôi có thới gian đóng BHXH là 35 năm liên tục, khi về hưu tôi sẽ được tính lương hưu như thế nào? Sẽ tính hệ số bình quân 5 năm cuối hay hệ số bình quân của 5 năm có hệ số lương cao nhất trong quá trình đóng Bảo hiểm (3 năm Thượng úy+2 năm Đại úy)? Kính mong Luật sư sớm trả lời giúp tôi, tôi xin chân thành cảm ơn.?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
I. Cơ sở pháp lý:
– Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11;
II. Luật sư tư vấn:
1. Về vấn đề chuyển từ chuyên viên sang cán sự
Theo Điều 29 Nghị định 24/2010/NĐ-CP về vấn đề nâng ngạch công chức thì việc nâng ngạch sẽ được thực hiện như sau:
"1. Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan sử dụng công chức và thông qua kỳ thi nâng ngạch theo quy định.
(…)
3. Công chức được đăng ký dự thi nâng ngạch khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục gần nhất; có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền;
b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đăng ký dự thi".
Theo đó, Khoản 4 Điều 7 Thông tư 11/2014/TT-BNV có nêu một số tiêu chuẩn về ngạch chuyên viên như sau:
"4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên;
c) Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
d) Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin".
Như vậy để có thể chuyển sang ngạch chuyên viên thì cán bộ công chức phải đảm bảo có đủ các tiêu chuẩn theo quy định trên. Theo như thông tin anh cung cấp về bằng cấp anh chỉ có bằng Cao đẳng, do đó anh vẫn chưa đủ điều kiện để xét ngạch chuyên viên theo quy định của pháp luật. Hiện nay chưa có quy định của pháp luật về việc chuyển từ ngạch chuyên viên sang ngạch cán sự, song căn cứ vào quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đối với chuyên viên thì anh chưa đạt tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên, do đó anh chỉ có thể giữ ngạch cán sự với yêu cầu về bằng cấp là bằng trung cấp, Cao đẳng trở lên.
2. Về phụ cấp thâm niên
Căn cứ Mục 2 Phần II Thông tư 02/2007/TT-BNV thì "Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch mới trong cùng nhóm ngạch với ngạch cũ (ngạch cũ và ngạch mới có cùng hệ số bậc lương), thì xếp ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) sang ngạch mới".
Về đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung thì Khoản 1 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP có quy định như sau:
"1. Phụ cấp thâm niên vượt khung:
Áp dụng đối với các đối tượng xếp lương theo bảng 2, bảng 3, bảng 4 và bảng 7 quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh".
Theo đó, anh sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên do anh không thuộc đối tượng xếp lương theo bảng 2, bảng 3, bảng 4 và bảng 7 của Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
3. Về vấn đề xét lương hưu
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội khi anh đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng thì mức lương hưu hàng tháng của anh được tính như sau:
Căn cứ Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu hàng tháng đối với người lao động được tính như sau:
"1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. (…)".
>>> Luật sư tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội qua tổng đài: 1900.6568
Theo đó, Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
"1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
a) Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
(…)".
Hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này, Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP có quy định như sau:
"Điều 7. Mức lương hưu hằng tháng tại Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
2. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:
a) Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
c) Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%".
Năm nghỉ hưu
Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45%
2018
16 năm
2019
17 năm
2020
18 năm
2021
19 năm
Từ 2022 trở đi
20 năm
Như vậy thì, khi anh đủ điều kiện được hưởng lương hưu thì mức lương hưu hàng tháng của anh sẽ sẽ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% sao cho mức tối đa bằng 75%. Do anh tham gia đóng bảo hiễm xã hội trước năm 1995 nên lương hưu của anh sẽ được tính theo 05 năm cuối trước khi anh nghỉ hưu.