Giữa xã hội ngày càng phát triển, giao thương giữa các quốc gia trên thế giới càng xảy ra các vấn đề tranh chấp phát sinh dẫn đến hậu quả không mong muốn. Vậy để bảo vệ các giao dịch trong thương mại, pháp luật Việt Nam đã có những quy định được đặt ra như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phòng vệ thương mại là gì?
Phòng vệ thương mại là những biện pháp ngăn chặn, hạn chế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ nước này sang nước kia và được nước nhập khẩu áp dụng. Phòng vệ thương mại được quy định trong nhiều Hiệp định về thương mại như Hiệp định TPP, Hiệp định GATT 1994, các Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định về các biện pháp tự vệ, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO…
Phòng vệ thương mại là một phần trong chính sách thương mại của quốc gia. Phòng vệ thương mại có mục đích nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
2. Khái niệm về các hành vi vi phạm liên quan đến thương mại:
2.1. Hành vi bán phá giá là gì?
Căn cứ theo Hiệp định chống bán phá giá của WTO thì hành vi bán phá giá được xác định nếu có các hành vi cụ thể như sau:
Trong trường hợp người bán mặt hàng, sản phẩm đó bán với giá thấp hơn giá so với thị trường của chính sản phẩm, mặt hàng đó trong điều kiện bán hàng thông thường. Việc đưa ra điều kiện bán hàng thông thường có ý nghĩa đặc biệt trong việc xác định hành vi bán phá giá, bởi lẽ người ta đã loại trừ trường hợp tại thời điểm bán hàng, hoàn cảnh cũng như nguồi cung cấp hàng đang khan hiếm, nguồn nguyên vật liệu cũng khan hiếm nên đương nhiên mặt hàng đó sẽ phải bán với giá cao hơn hoặc thấp hơn. Nên trong trường hợp này chúng ta chỉ xác định hành vi bán phá giá với trường hợp điều kiện bán hàng là thông thường.
2.2. Mục đích của hành vi bán phá giá:
Căn cứ theo quy định tại Điều 23
“1. Trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh là việc bán hàng, cung ứng dịch vụ với mức giá thấp hơn tổng các chi phí dưới đây
a) Chi phí cấu thành giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này hoặc giá mua hàng hóa để bán lại;
b) Chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này.
2. Các hành vi sau đây không bị coi là hành vi bán hàng hóa dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh:
a) Hạ giá bán hàng hóa tươi sống;
b) Hạ giá bán hàng hoá tồn kho do chất lượng giảm, lạc hậu về hình thức, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng;
c) Hạ giá bán hàng hoá theo mùa vụ;
d) Hạ giá bán hàng hoá trong chương trình khuyến mại theo quy định của pháp luật;
đ) Hạ giá bán hàng hoá trong trường hợp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay đổi địa điểm, chuyển hướng sản xuất, kinh doanh;
e) Các biện pháp thực hiện chính sách bình ổn giá của nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật về giá.
3. Các trường hợp hạ giá bán quy định tại khoản 2 Điều này phải được niêm yết công khai, rõ ràng tại cửa hàng, nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời gian hạ giá.”
Như vậy, qua điều luật quy định trên đây ta có thể thấy các hành vi bán phá giá đã được liệt kê rất chi tiết và cụ thể. Bất kỳ hành vi bán phá giá nào của các chủ thể mà vi phạm sẽ điều bị xử lý theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại.
Hành vi bán phá giá sẽ gây ra những sự cạnh tranh không lành mạnh trong chính một thị trường giống nhau về hàng hóa, sản phẩm. Dẫn đến những mâu thuẫn trong mối quan hệ về thương mại giữa các đối thủ cạnh tranh trong cùng một quốc gia và trên cả thế giới.
3. Các biện pháp phòng vệ thương mại phổ biến:
Các biện pháp phòng vệ thương mại phổ biến bao gồm: biện pháp chống bán phá giá, biện pháp trợ cấp và biện pháp tự vệ.
3.1. Biện pháp chống bán phá giá:
Đây là biện pháp để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh. Khi hàng hoá bị xem là bán phá giá thì chúng có thể bị áp đặt các biện pháp chống bán phá giá như thuế chống phá giá, đặt cọc hoặc thế chấp, can thiệp hạn chế định lượng hoặc điều chỉnh mức giá của nhà xuất khẩu nhằm triệt tiêu nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nhập khẩu, trong đó thuế chống bán pháp giá và biện pháp phổ biến nhất hiện nay.
3.2. Biện pháp chống trợ cấp:
Là biện pháp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu.
Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu. Trong khi biện pháp chống bán phá giá là để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh thì biện pháp chống trợ cấp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu.
3.3 Biện pháp tự vệ:
là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp này thường được áp dụng một cách khắt khe hơn so với hai biện pháp còn lại. Nếu như yêu cầu về điều kiện để áp dụng biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp chỉ dừng lại ở mức cơ quan điều tra phải chứng minh có tình trạng bán phá giá hay trợ cấp và việc bán phá giá hoặc trợ cấp đó gây thiệt hại “đáng kể” cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước thì trong các cuộc điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, cơ quan điều tra phải chứng minh được tình trạng thiệt hại “nghiêm trọng” mà ngành sản xuất hàng hóa “tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp” trong nước phải hứng chịu do việc gia tăng “bất thường” của luồng hàng hóa nhập khẩu.
4. Các văn bản quy định pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại:
Tại Việt Nam, để tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định pháp luật về các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định về vấn đề này bao gồm:
+ Luật Quản lý ngoại thương 2017 ngày 12 tháng 6 năm 2017 quy định về việc chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam
+ Nghị định 10/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về biện pháp phòng vệ thương mại.