Làm thế nào để dừng việc thi hành án dân sự lại. Thủ tục thực hiện việc hoãn thi hành án dân sự.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa các luật sư và toàn thể bạn đọc! Làm ơn cho tôi hỏi khi bản án tuyên không đúng thực tế đất sử dụng hiện tại của tôi và THA cũng biết rõ nhưng vẫn làm theo Tòa án còn ghi biên bản không đúng sự thật cố tình thi hành án thì tôi phải làm thế nào? sự việc cụ thể như sau: Năm 1996, gia đình tôi được UBND huyện Cao Lộc cấp cho sử dụng 1200 m2 đất rừng tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc(đã có sổ xanh). Năm 2010 chuyển đổi từ sổ xanh sang sổ đỏ gia đình tôi được UBND huyện Cao Lộc cấp GCN QSDĐ đối với 4.099m2, gia đình tôi đã trồng trên thửa đất được giao nhiều loại: cây lấy gỗ, cây ăn quả … đều là công sức của gia đình tôi tạo ra. Năm 2010 chị Dương Thị Hằng từ nơi khác đến tranh chấp QSDĐ 236,7 m2 của gia đình tôi. Ngày 24/6/2015 TAND tỉnh Lạng Sơn đã có bản án dân sự phúc thẩm số 31/2015/DS – PT về giải quyết tranh chấp vụ án. Bản án đã sai sót không xem xét, thẩm định, định giá tài sản gắn liền với đất những cây trồng lâu năm, cây ăn quả và nhiều loại cây khác. Tôi đã làm đơn đề nghị Chánh án TAND Tối Cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối Cao kháng nghị bản án này về những sai phạm của
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật thi hành án dân sự 2008;
– Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014.
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ Khoản 1 Điều 48 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 quy định căn cứ ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:
“- Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;
– Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;
– Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;
– Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;
– Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 của Luật này;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
– Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;
– Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
– Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật này.”
Căn cứ Khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014 quy định căn cứ ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp sau đây:
“- Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;
– Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;
– Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;
– Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này;
– Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;
– Có quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án;
– Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;
– Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã chết hoặc đã thành niên.”
Căn cứ vào các tình tiết anh cung cấp, trường hợp của anh không thuộc trường hợp hoãn thi hành án dân sự hay đình chỉ thi hành án dân sự.
Điều 49 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định về tạm đình chỉ thi hành án như sau:
* Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị.
Trong thời gian tạm đình chỉ thi hành án do có kháng nghị thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.
* Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.
Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án.
* Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được một trong các quyết định sau đây:
– Quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền;
– Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị;
– Quyết định của Toà án về việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản, đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
Như vậy, nếu anh muốn dừng việc thi hành án dân sự thì anh phải có đơn gửi tới Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án tòa án nhân cấp tỉnh, Viện trường viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trình bày rõ vụ án của mình, thúc đẩy những người này để làm đơn kháng nghị vụ án của anh theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Khi nhân được Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ tạm đình chỉ quyết định thi hành án.