Áp dụng loại hình đăng ký kinh doanh. Trình tự, thủ tục thành lập công ty TNHH 1 thành viên và hộ kinh doanh cá thể.
Áp dụng loại hình đăng ký kinh doanh. Trình tự, thủ tục thành lập công ty TNHH 1 thành viên và hộ kinh doanh cá thể.
Tóm tắt câu hỏi:
1. Giấy phép kinh doanh (GPKD):
a. Cách đây hơn 10 năm, tôi có đăng ký GPKD theo diện hộ kinh doanh cá thể, sau đó tôi dừng, do thiếu tìm hiểu thông tin, nên tôi chỉ mới công chứng thanh lý hợp đồng thuê mặt bằng, còn GPKD hiện tại tôi vẫn còn giữ. Cho phép tôi hỏi: Liệu GPKD đó đã tự hủy hay vẫn còn. Tôi có chịu trách nhiệm gì không? Vậy nếu tôi muốn đăng ký kinh doanh lại thì bình thường hay phải làm thế nào?
b. Cho phép tôi hỏi: Công ty TNHH 1 thành viên và hộ kinh doanh cá thể:
_ Trình tự thủ tục pháp lý, điều kiện thành lập ( giấy tờ phải sao y công chứng hay chỉ photo).
_ Các loại thuế phải đóng.
_ Nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm.
2. Giấy vệ sinh an toàn thực phẩm: Cho phép tôi hỏi: Loại hình bán trái cây tươi ướp lạnh, kèm sữa chua, đá… có cần phải xin giấy vệ sinh an toàn thực phẩm không? Trân trọng! Cám ơn! ?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
I. Cơ sở pháp lý:
II. Luật sư tư vấn:
1. Giấy phép kinh doanh
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã đăng ký giấy phép kinh doanh theo diện hộ kinh doanh cá thể sau đó ngừng hoạt động kinh doanh. Việc bạn ngừng hoạt động kinh doanh chỉ mới công chứng thanh lý hợp đồng thuê mặt bằng và chưa thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh đồng thời bạn vẫn còn giữ giấy phép kinh doanh thì giấy phép kinh doanh của bạn vẫn còn và không đương nhiên bị hủy.
Trường hợp bạn đã ngừng hoạt động kinh doanh trong thời gian 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký kinh doanh thì bạn sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 78 Nghị định 78/2015/NĐ-CP:
“Điều 78. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
1.Hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp sau:
c) Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký;”
Đồng thời trước khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi bạn đăng kí kinh doanh sẽ gửi thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu bạn đến giải trình theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Nghị định 78/NĐ-CP :
“3. Trường hợp hộ kinh doanh không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký hoặc không báo cáo về tình hình kinh doanh theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định này thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu đại diện hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện để giải trình. Sau thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn ghi trong thông báo mà người được yêu cầu không đến báo cáo thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.”
Trường hợp của bạn vẫn chưa nhận được thông báo về việc thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh từ cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký kinh doanh và bạn vẫn đang giữ giấy phép kinh doanh mà bạn muốn kinh doanh lại bình thường thì bạn vẫn sẽ tiến hành hoạt động kinh doanh mà không phải thực hiện việc đăng kí kinh doanh.
Ngoài những nội dung nêu trên, bạn không kê khai thực hiện các nghĩa vụ về thuế sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật thuế tại thời điểm vi phạm.
*Thành lập công ty TNHH 1 thành viên:
Trình tự thủ tục pháp lý, điều kiện thành lập ty TNHH 1 thành viên :
* Điều kiện thành lập CTTNHH 1 thành viên:
Theo quy định tại Điều 73 Luật Doanh nghiệp 2014 :
“ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.”
Ngoài ra các tổ chức, cá nhân tham gia thành lập Công ty TNHH một thành viên phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014:
“Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
4. Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình theo điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích sau đây:
a) Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
b) Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
c) Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.”
* Thủ tục thành lập Công ty TNHH một thành viên:
Để tiền hành thành lập công ty TNHH 1 thành viên bạn cần đáp ứng các loại giấy tờ sau:
+ Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
+ Dự thảo điều lệ công ty có đầy đủ chữ ký của chủ sở hữu công ty, người đại diện theo pháp luật đối với trường hợp chủ sở hữu là cá nhân; Chủ sở hữu công ty phải chịu trách nhiệm về sự phù hợp với pháp luật của điều lệ công ty.
Trường hợp của bạn chủ sở hữu là cá nhân thì bạn cần cung cấp các loại giấy tờ sau:
+ Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
+ Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
Ngoài ra bạn cần lập Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức quản lý và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo mô hình hội đồng thành viên;
* Về trình tự thành lập:
– Bạn tiến hành nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư nơi bạn muốn đặt trụ sở công ty .
– Nộp lệ phí đăng ký kinh doanh: 200.000 đồng.
– Trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
* Các loại thuế phải đóng
1. Thuế môn bài
Mỗi năm nộp 1 lần tuỳ theo mức vốn điều lệ, đối với năm đầu tiên còn tuỳ thuộc vào thời điểm thành lập, nếu sau thời điểm 30/06 chỉ phải nộp 1/2 mức thuế theo biểu thuế của năm.
Theo Điều 1 Thông tư 42/2003/TT-BTC : Doanh nghiệp nộp thuế Môn bài căn cứ vào vốn điều lệ đăng ký theo biểu như sau:
-Bậc 1: Trên 10 tỷ: mức thuế 3.000.000 đồng/năm
-Bậc 2: Từ 5 tỷ đến 10 tỷ: mức thuế 2.000.000 đồng/năm
-Bậc 3: Từ 2 tỷ đến 5 tỷ: mức thuế 1.500.000 đồng
-Bậc 4: Dưới 2 tỷ: mức thuế 1.000.000 đồng/năm
2. Thuế giá trị gia tăng
Kê khai báo cáo và nộp thuế giá trị gia tăng của tháng trước trước ngày 20 của tháng tiếp theo.
3. Thuế thu nhập cá nhân
– Chủ doanh nghiệp và nhân viên phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân.
– Thuế thu nhập cá nhân được tính theo phương thức lũy tiến sau khi trừ đi chi phí cho phép đó là giảm trừ gia cảnh: Đối với bản thân là người nộp thuế là 9 triệu / tháng. Đối với người phụ thuộc là 3.6 triệu đồng/ tháng.
4. Thuế thu nhập doanh nghiệp
– Doanh nghiệp: Kê khai và nộp theo từng quý, cuối năm nộp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm.
>>> Luật sư tư vấn pháp
– Thuế suất : 20%
– Ngoài ra tuỳ thuộc vào quá trình hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp có thể phát sinh những loại thuế thác nhau.
Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng về việc khai thuế và nộp thuế theo đúng quy định của cơ quan thuế, thì sẽ bị xử phạt theo quy định của Pháp Luật. Vì vậy xin quý doanh nghiệp chú ý và hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình.
5. Thuế xuất nhập khẩu
– Nếu doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập khẩu.
– Thuế xuất nhập khẩu được tính tùy thuộc vào các mặt hàng xuất nhập khẩu khác nhau.
6. Thuế tiêu thụ đặc biệt
– Doanh nghiệp sẽ phải nộp loại thuế này nếu doanh nghiệp đó có hoạt động kinh doanh liên quan đến những hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
– Thuế tiêu thụ đặc biết được đánh vào những mặt hàng hoặc dịch vụ đặc biệt như thuốc lá, rượu, ô tô.
7. Thuế sử dụng đất
– Nếu doanh nghiệp có sử dụng hoặc kinh doanh nhà đất thì phải nộp thuế sử dụng đất.
*Nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp:
Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định tại Điều 7 và Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:
“Điều 7. Quyền của doanh nghiệp
1. Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.
2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
4. Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh.
7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
9. Từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
10. Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
11. Tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
12. Quyền khác theo quy định của luật có liên quan.
Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp
1. Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
2. Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
3. Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
4. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
5. Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
6. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
7. Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
8. Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh.
9. Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.”
* Thành lập hộ kinh doanh cá thể:
Trình tự thủ tục pháp lý, điều kiện thành lập hộ kinh doanh cá thể :
* Điều kiện thành lập hộ kinh doanh:
– Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
– Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
* Trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
Theo Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh như sau:
"1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh;
d) Số lao động;
đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập."
*Các loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải đóng
Thuế môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể:
Được chia làm 6 bậc theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2002/NĐ-CP:
Bậc thuế
Thu nhập 1 tháng
Mức thuế cả năm
1
Trên 1.500.000
1.000.000
2
Trên 1.000.000 đến 1.500.000
750.000
3
Trên 750.000 đến 1.000.000
500.000
4
Trên 500.000 đến 750.000
300.000
5
Trên 300.000 đến 500.000
100.000
6
Bằng hoặc thấp hơn 300.000
50.000
2. Thuế giá trị gia tăng:
Thuế GTGT đối với hộ kinh doanh cá thể được tính căn cứ vào biểu tỷ lệ GTGT trên doanh số áp dụng tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh .Việc tính thuế sẽ căn cứ vào khu vực kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, doanh thu.
3. Thuế thu nhập cá nhân:
Thuế TNCN được tính căn cứ vào biểu tỷ lệ ấn định thu nhập chịu thuế trên doanh thu áp dụng đối với cá nhân kinh doanh.
*Quyền và nghĩa vụ
Tương tự như doanh nghiệp
II, Giấy vệ sinh an toàn thực phẩm
Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố bắt buộc khi cá nhân, tổ chức tiến hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng đủ các điều kiện:
– Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật an toàn thực phẩm năm 2010
– Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật quy định các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng không phải cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP thì 4 trường hợp sau đây không thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Bán hàng rong;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 9 Thông tư 26/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của bộ y tế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không phải cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm bao gồm:
- Cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng ban đầu nhỏ lẻ.
- Cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt.
- Cơ sở bán hàng rong.
- Cơ sở kinh doanh bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt.
- Cơ sở kinh doanh bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
- Nhà thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận đạt GPP có kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Như vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc các trường hợp nêu trên đều bắt buộc phải xin cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, đối với loại hình bán trái cây tươi ướp lạnh, kèm sữa chua, đá nếu kinh doanh nhỏ lẻ sẽ không phải xin Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.