Quy định của pháp luật về nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư? Một số quy định cụ thể về Luật sư? Quy định về hành nghề của Luật sư nước ngoài tại Việt Nam? Hồ sơ thành lập công ty hành nghề của Luật sư nước ngoài tại Việt Nam?
Hiện nay, nghề luật sư đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Ở mỗi quốc gia khác nhau đều có các quy định khắt khe về tiêu chuẩn để trở thành luật sư và hành nghề luật sư. Luật sư được hiểu chung là người có những phẩm chất nhất định được pháp luật quy định cụ thể, chuyên thực hiện các dịch vụ pháp lý và cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Trên đất nước ta không chỉ có các luật sư trong nước mà còn có các chủ thể hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Các chủ thể này phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam để có đầy đủ điều kiện hành nghề. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về hành nghề của Luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Luật sư
1. Quy định của pháp luật về nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư:
Theo Điều 6
– Nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư là nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý luật sư và hành nghề luật sư.
– Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện việc quản lý luật sư và hành nghề luật sư của tổ chức mình theo đúng quy định của Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012, Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và tung xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
– Nhà nước phải thống nhất quản lý về luật sư và hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sự 2006 sửa đổi, bổ sung 2012.
Quy định về nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư nhằm mục đích để nâng cao chức năng tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, phù hợp với đặc thù của hoạt động luật sư, đồng thời từ đó giúp xác định rõ vai trò quản lý của Nhà nước đối với luật sư và hành nghề luật sư.
Như vậy, quản lý luật sư và hành nghề luật sư bao gồm các hoạt động quản lý của nhà nước, hoạt động này phải thống nhất và do Nhà nước thực hiện. Do đặc thù nghề nghiệp của luật sư, nhà nước ta đã đưa ra các quy định về nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Hoạt động quản lý luật sư và hành nghề luật sư phải thống nhất với nhau để từ đó đảm bảo sự tuân thủ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đối với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, đồng thời đảm bảo luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình.
2. Một số quy định cụ thể về Luật sư:
2.1. Luật sư là gì?
Theo quy định của Luật Luật sư, ta nhận thấy, luật sư là người hành nghề có liên quan đến lĩnh vực pháp luật khi các chủ thể đó có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật ở mỗi quốc gia khác nhau. Luật sư là người thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu dịch vụ pháp lý.
2.2. Các điều kiện cơ bản để trở thành Luật sư:
Để trở thành Luật sư phải có bằng cử nhân Luật:
Ta có thể hiểu các cá nhân để trở thành Luật sư thì trước hết cần phải tốt nghiệp trường Luật, khoa Luật của trường Đại học.
Để trở thành Luật sư các cá nhân phải có bằng tốt nghiệp chương trình đào tạo Luật sư:
Lớp học đào tạo luật sư được đăng ký tại Học viện tư pháp và được học trong vòng 12 tháng, sau đó các cá nhân thi nếu đạt kết quả qua kỳ thi tốt nghiệp của Học viện tư pháp thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp lớp Luật sư.
Phải trải qua kỳ tập sự tại Tổ chức hành nghề Luật sư:
Sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo Luật sư, các cá nhân bắt buộc phải đăng ký tập sự tại một tổ chức hành nghề Luật sư trong thời gian cụ thể là 12 tháng.
Đạt điểm tại kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư:
Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, người tập sự khi được tham gia kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư và nếu đạt điểm thì sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư. Nếu không đạt điểm theo đúng quy định thì sẽ phải chờ đăng ký tham gia kỳ kiểm tra lại ở lần kế tiếp để được cấp thẻ hành nghề Luật sư.
Cấp chứng chỉ và gia nhập đoàn Luật sư, cấp thẻ hành nghề Luật sư:
Nếu các chủ thể đạt kết quả trong kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư thì các cá nhân sẽ làm hồ sơ theo quy định để từ đó xin cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ tư pháp cấp, các chủ thể sẽ được cấp thẻ hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp.
Hành nghề Luật sư:
Sau khi được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư, các chủ thể sẽ gia nhập đoàn, cấp thẻ hành nghề Luật sư thì Luật sư sẽ được lựa chọn tổ chức hành nghề Luật sư để hành nghề, hoặc hành nghề với tư cách cá nhân và phải đăng ký với Sở tư pháp địa phương nơi hành nghề Luật sư.
3. Quy định về hành nghề của Luật sư nước ngoài tại Việt Nam:
3.1. Điều kiện hành nghề của Luật sư nước ngoài tại Việt Nam:
Để hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức luật sư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Tổ chức luật sư nước ngoài phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
– Tổ chức luật sư nước ngoài phải cam kết và bảo đảm có ít nhất hai luật sư nước ngoài, kể cả Trưởng chi nhánh, Giám đốc
– Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có ít nhất hai năm liên tục hành nghề luật sư.
– Tổ chức luật sư nước ngoài phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
– Tổ chức luật sư nước ngoài phải ó kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế.
– Tổ chức luật sư nước ngoài phải cam kết tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
– Tổ chức luật sư nước ngoài phải được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó.
3.2. Hình thức hành nghề của luật sư nước ngoài:
Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
– Làm việc với tư cách thành viên cho một chi nhánh hoặc một công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.
– Làm việc theo hợp đồng cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.
3.3. Phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài:
Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn về pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.
3.4. Quyền và nghĩa vụ của luật sư nước ngoài:
Luật sư nước ngoài có các quyền cơ bản sau đây:
– Luật sư nước ngoài có quyền lựa chọn hình thức hành nghề tại Việt Nam.
– Luật sư nước ngoài có quyền chuyển thu nhập từ hoạt động hành nghề ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Luật sư nước ngoài có các nghĩa vụ cơ bản sau đây:
– Luật sư nước ngoài có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật;
– Luật sư nước ngoài có nghĩa vụ tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư, nghĩa vụ của luật sư theo quy định của Luật này; Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
– Luật sư nước ngoài phải có mặt thường xuyên tại Việt Nam.
– Có các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Luật sư 2006 sửa đổi năm 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Hồ sơ thành lập công ty hành nghề của Luật sư nước ngoài tại Việt Nam:
4.1. Hồ sơ thành lập công ty luật 100% vốn nước ngoài:
Hồ sơ cấp phép tại Bộ Tư Pháp bao gồm các giấy tờ, văn bản sau đây:
– Đơn đề nghị thành lập công ty luật nước ngoài.
– Bản sao giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp; bản sao Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đối với hình thức liên doanh.
– Bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đối với hình thức liên doanh.
– Danh sách luật sư nước ngoài dự kiến làm việc tại công ty; danh sách luật sư Việt Nam dự kiến làm việc tại công ty kèm theo bản sao Thẻ luật sư.
– Dự thảo Điều lệ công ty luật nước ngoài; hợp đồng liên doanh đối với hình thức liên doanh.
Thời gian xử lý: 60 ngày.
Hồ sơ đăng ký hoạt động tại Sở Tư Pháp bao gồm các giấy tờ, văn bản sau đây:
– Bản sao Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài.
– Giấy tờ chứng minh về trụ sở.
Các chủ thể thực hiện đăng ký trong thười hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp phép, thời gian cấp phép là 10 ngày làm việc.
Cần lưu ý rằng công ty luật nước ngoài sẽ được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
4.2. Hồ sơ thành lập chi nhánh công ty luật nước ngoài:
Hồ sơ cấp phép tại Bộ Tư Pháp bao gồm các giấy tờ, văn bản sau đây:
– Đơn đề nghị thành lập chi nhánh;
– Bản sao giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
– Bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
– Danh sách luật sư nước ngoài dự kiến làm việc tại chi nhánh.
– Quyết định cử luật sư làm Trưởng chi nhánh.
Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài có thời hạn sử dụng trong thời hạn năm năm và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn được quy định không quá năm năm.