Tranh chấp quyền lợi giữa các thành viên trong công ty. Không đồng nhất trong vấn đề phân chia lợi nhuận thì giải quyết thế nào?
Tranh chấp quyền lợi giữa các thành viên trong công ty. Không đồng nhất trong vấn đề phân chia lợi nhuận thì giải quyết thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty chúng tôi đang có 1 vấn đề tranh chấp giữa các thành viên trong công ty, mong luật sư có thể tư vấn để công ty chúng tôi có thể hoạt động tốt mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, cụ thể sự việc như sau: Công ty gồm có 3 thành viên là công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên thứ 1 góp vốn điều lệ 40%, cũng là giám đốc, thành viên thứ 2 góp vốn điều lệ 30%, thành viên thứ 3 góp vốn điều lệ 30%. Khi thành lập công ty xong, chúng tôi đi vào xây dựng công ty, chúng tôi có đóng một số tiền để chi phí ban đầu vào công ty nhưng không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào về phần góp vốn cũng như tỷ lệ góp vốn. Năm đầu tiên chúng tôi hoạt động, nhưng chưa có lợi nhuận nhiều, lợi nhuận sau thuế (khai báo với cơ quan thuế) bằng 0. Mới được có 1 năm nhưng thành viên thứ 3 tự ý rút khỏi công ty và không có bất kỳ hoạt động nào phục vụ cho công ty. Thành viên đó tách khỏi công ty và lập một công ty riêng, cạnh tranh trên cùng lĩnh vực với công ty chúng tôi. 1 năm sau đó, thành viên đó bỗng dưng quay lại và đòi chúng tôi chia lợi nhuận. Nếu không thì sẽ kiện chúng tôi, và tự làm làm thủ tục phá sản công ty hiện chúng tôi đang điều hành. Vậy xin Luật sư giải đáp: chúng tôi nên giải quyết tranh chấp này như thế nào để đảm bảo lợi ích của chúng tôi? Thành viên thứ 3 này có quyền kiện chúng tôi ra tòa và buộc chúng tôi phá sản không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo như bạn trình bày, trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty có ghi nhận phần vốn góp của cả 3 thành viên. Việc thành viên thứ 3 tự ý rút khỏi công ty và không có bất kỳ hoạt động nào phục vụ cho công ty có giấy tờ nào ghi nhận vấn đề này hay không bởi theo quy định tại Khoản 4 Điều 68 Luật doanh nghiệp 2014: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ, công ty phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông báo phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;
b) Vốn điều lệ; số vốn dự định tăng hoặc giảm;
c) Thời điểm, lý do và hình thức tăng hoặc giảm vốn;
d) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Đối với trường hợp tăng vốn điều lệ, kèm theo thông báo phải có nghị quyết và biên bản họp của Hội đồng thành viên. Đối với trường hợp giảm vốn điều lệ, kèm theo thông báo phải có nghị quyết và biên bản họp của Hội đồng thành viên và báo cáo tài chính gần nhất. Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.” Như vậy nếu có thành viên rút vốn tại công ty thì công ty phải làm thủ tục thông báo về việc giảm vốn điều lệ của công ty tới Sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở. Nếu bạn đã làm thủ tục này thì thành viên thứ 3 không được chia lợi nhuận.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nếu có thành viên rút vốn ra khỏi công ty và công ty chưa làm thủ tục thông báo lên Sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh, trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn ghi nhận thành viên thứ 3 thì theo Điều 69 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên khi kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.” Nếu công ty hoạt động và có doanh thu sau khi đã hoàn thành mọi nghĩa vụ liên quan thì thành viên thứ 3 vẫn được chia lợi nhuận theo phần vốn đã góp vào công ty.
Việc thành viên thứ 3 đã không hoạt động tại công ty trong một năm và thành lập doanh nghiệp mới hoạt động cạnh tranh thì anh có nghĩa vụ chứng minh trước cơ quan có thẩm quyền để thay đổi phần lợi nhuận được chia đối với thành viên thứ 3.
Để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, anh có thể tự thỏa thuận với 2 thành viên còn lại về vấn đề chia lợi nhuận. Nếu không thỏa thuận được, anh có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên trong công ty theo quy định Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Tranh chấp việc cho vay vốn kinh doanh
– Tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền Tòa án
– Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn luật dân sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại