Vi phạm thời hạn giải quyết tranh chấp lao động. Quá thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án không ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi
Tôi thực hiện hợp đồng làm công tác giảng dạy có kí hợp đồng làm việc đúng theo quy định pháp luật. Trong thời gian nghỉ hè từ tháng 6/2013 đến tháng 9/2013. Ngày 10/8/2013, tôi sinh con tại bệnh viện tỉnh X. Trong thời gian đang nuôi con nhỏ thì Hiệu trưởng ký Quyết định về việc chấm dứt HĐLĐ với tôi kể từ ngày 09/02/2014 (trong khi đó tôi không vi phạm gì).
Ngày 20/1/2015, tôi đã khởi kiện vụ việc trên tại Tòa. Kể từ khi nộp đầy đủ hồ sơ do Tòa yêu cầu, tôi đã nhiều lần liên hệ trực tiếp với Tòa đề nghị được giải quyết nhưng không được xem xét giải quyết. Đến ngày 14/8/2015 Tòa mới hòa giải nhưng không thành công. Sau ngày hòa giải không thành đến nay, tôi không thấy Tòa xét xử. Hàng tuần tôi đã đến liên hệ Tòa đề nghị được đưa vụ án xét xử, hỏi nguyên nhân thì được trả lời là do đang thu thập thêm chứng cứ, có lần lại bảo đang hỏi ý kiến một số cơ quan có liên quan, có lần thì Tòa trả lời là đang làm việc với kế toán nhà trường xem tiền trả lương cho tôi là rút từ ngân sách nào.
Ngày 23/11/2015 tôi qua Tòa gặp trực tiếp Chánh án, được Chánh tòa trả lời là hồ sơ vụ án của tôi đã chuyển về Tòa tỉnh và đang đợi Đoàn Luật sư của tòa án tối cao về tỉnh tập huấn cho chánh án diễn ra vào ngày 30/11 đến ngày 2/12/2015 đồng thời sẽ cùng thảo luận vụ án này để xử cho đúng và hứa sẽ xử đầu tháng hoặc giữa tháng 12. Đến giữa tháng 12 tôi va 3/1/2016 tôi có liên lạc với phía Tòa do không được xét xử nhưng đều được trả lời đang chờ ý kiến Tòa án tối cao, Tỉnh, ngoài Bộ nên chưa xử.
Vụ việc trên đang diễn biến như vậy, tôi phải làm gì trong hoàn cảnh này bây giờ ? .
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, trường hợp của bạn là tranh chấp về hợp đồng làm việc viên chức nên sẽ được coi là tranh chấp lao động theo điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 30 Luật Viên chức năm 2010 (Tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động).
Thứ hai, về thời hạn chuẩn bị xét xử giải quyết tranh chấp lao động:
Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định như sau:
“1. Thời hạn chuẩn bị Xét Xử các loại vụ án được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị Xét Xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
2. Trong thời hạn chuẩn bị Xét Xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Tòa án ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án;
d) Đưa vụ án ra Xét Xử.
>>> Luật sư
3. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra Xét Xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.
Do bạn không nhận được quyết định gia hạn hay quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án nên thời hạn trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án thì Tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử (vì thời hạn chẩn bị xét xử là 2 tháng theo điểm b Khoản 1 Điều 179). Nếu đợi ý kiến của Cơ quan có thẩm quyền thì phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án gửi cho bạn, nhưng không có. Đồng thời,việc hòa giải thì cũng phải được tiến hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tức là 2 tháng này. Do vậy ở trường hợp này đã có sự vi phạm trong quá trình tố tụng, mà cụ thể người vi phạm ở đây là Thẩm phán đã không ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong trường hợp luật định.
Thứ ba, hướng giải quyết khi quyền lợi của người lao động bị vi phạm:
Trường hợp này bạn có thể tiến hành tố cáo với người có thẩm quyền để giải quyết cho bạn, cụ thể trong trường hợp này là Chánh án Tòa án đang thụ lý vụ án. Nếu Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án là Chánh án thì bạn sẽ tiến hành tố giác với Chánh án cấp trên trực tiếp để giải quyết.