Hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Yếu tố chứng minh có sự vi phạm về kiểu dáng công nghiệp. Căn cứ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Yếu tố chứng minh có sự vi phạm về kiểu dáng công nghiệp. Căn cứ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Tóm tắt câu hỏi:
Khi một công ty cho rằng một cơ sở sản xuất kinh doanh khác có hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của công ti minh thì công ty đó cần đưa ra cơ sở pháp lí và lập luận chứng minh như thế nào để biết rõ cơ sở sản xuất đó có xâm phạm?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005:
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Trước hết, các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi sau thì bị coi là hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 126 Luật sở hữu trí tuệ 2005:
– Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật sở hữu trí tuệ 2005.
Ngoài ra, khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp phải tuân theo quy định tại các Điều 5 và 10 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.
* Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định về việc xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 126 Luật sở hữu trí tuệ 2005, khi có đủ các căn cứ sau đây:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều khoản 2 Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ 2005.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
* Điều 10 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp:
– Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm hoặc phần của sản phẩm mà hình dáng bên ngoài không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
– Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
– Sản phẩm, phần sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) của kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu khác đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của người đó;
+ Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác.
– Kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm (phần sản phẩm) chỉ bị coi là không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi kiểu dáng công nghiệp đó là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
– Sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét được coi là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu sản phẩm/phần sản phẩm đó có tập hợp các đặc điểm tạo dáng (hình dáng) bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản và không cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
– Sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét về bản chất được coi là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu sản phẩm/phần sản phẩm đó có tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ được.
– Trường hợp tổng thể các đặc điểm tạo dáng bên ngoài của một sản phẩm/phần sản phẩm bị coi là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm thuộc kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thì cũng bị coi là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đó.
– Đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ được hiểu là đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết, ghi nhớ, được dùng để phân biệt tổng thể kiểu dáng công nghiệp này với kiểu dáng công nghiệp khác. Tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản có thể là hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc được xác định trên cơ sở bộ ảnh chụp/bản vẽ kèm theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Theo quy định các quy định trên thì căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Để biết được sản phẩm có xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thì còn căn cứ vào nhiều yếu tố như: trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao, hoặc trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác.
Như vậy, khi một công ty muốn chứng minh một cơ sở sản xuất kinh doanh khác xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của công ty mình thì công ty đó cần đưa ra được các căn cứ quy định trên để có thể xác định chính xác hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đối với công ty mình.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 19006568 để được giải đáp.