Thủ tục phúc thẩm vụ án lao động. Thủ tục phúc thẩm các vụ án tranh chấp lao động cá nhân theo quy định của pháp luật dân sự.
Thủ tục phúc thẩm vụ án lao động. Thủ tục phúc thẩm các vụ án tranh chấp lao động cá nhân theo quy định của pháp luật dân sự.
Giống như việc phúc thẩm các vụ án khác, phúc thẩm các bản án hoặc quyết định của tòa án cấp sơ thẩm về vụ tranh chấp lao động cá nhân là một hoạt động rất quan trọng. Phúc thẩm các bản án hoặc quyết định là hoạt động xem xét lại tính đúng đắn của các bản án, các quyết định đã tuyên theo yêu cầu của các đương sự, đại diện của họ hoặc của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo quyền lợi của đương sự và đảm bảo tính đúng đắn, công bằng của việc thực thi pháp chế. Hoạt động xét xử phúc thẩm, trong phạm vi nội bộ của ngành tòa án, được xem như một biện pháp kiểm tra về mặt nghiệp vụ của tòa án cấp trên đối với tòa án cấp dưới để kịp thời có sự chỉ đạo nghiệp vụ cần thiết nhằm tổ chức quá trình tố tụng đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao.
Thủ tục phúc thẩm là sự thừa nhận và thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử, tạo điều kiện cho các bên tranh chấp được xem xét, giải quyết lại lần thứ hai những vấn đề đã được phán xử ở cấp sơ thẩm. Đây là thủ tục được tất cả các nước thừa nhận nhằm bảo đảm cho việc xét xử tranh chấp được đúng đắn, khách quan.
Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án đối với đương sự có mặt tại phiên tòa, đối với đương sự vắng mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án sơ thẩm là bảy ngày, kể từ ngày người kháng cáo nhận được quyết định.
Thời hạn kháng nghị đối với bản án sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án nếu Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, nếu Viện kiểm sát không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án. Thời hạn kháng nghị quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.
Phiên tòa phúc thẩm được tiến hành bởi một Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán, không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân. Phiên tòa phúc thẩm cũng mở công khai và trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa để xem xét, giải quyết yêu cầu kháng cáo, kháng nghị. Phiên tòa phúc thẩm được tiến hành với các thủ tục: Chuẩn bị khai mạc phiên tòa và thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm, thủ tục hỏi tại phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm.
Thủ tục hỏi tại phiên tòa: Chủ tọa hỏi nguyên đơn có rút đơn khởi kiện không; hỏi người kháng cáo, kháng nghị có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị không; các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án không. Thủ tục hỏi đảm bảo nguyên tắc quyết định và tự định đoạt của đương sự và nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Sau khi kết thúc thủ tục hỏi, tòa án tiến hành và tạo điều kiện để các đương sự tranh luận theo thứ tự tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm. Mục đích chính của tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm khác với tại phiên tòa sơ thẩm ở chỗ, tại phiên tòa phúc thẩm tòa án yêu cầu các đương sự chỉ tranh luận về những vấn đề nằm trong phạm vi xét xử phúc thẩm và đó là những vấn đề đã được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm. Quy định này tránh việc các đương sự tranh luận tràn lan mà chỉ tập trung để làm sáng tỏ những nội dung còn tranh chấp liên quan đến phạm vi xét xử phúc thẩm, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Về cơ bản, thủ tục nghị án và tuyên án tại phiên tòa phúc thẩm không có gì khác tại phiên tòa sơ thẩm.