Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo vụ việc. Quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo vụ việc.
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo vụ việc. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 về thẩm quyền xét xử vụ án hình sự theo vụ việc.
1.Quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo sự việc
Thẩm quyền xét xử theo sự việc là sự phân định thẩm quyền xét xử giữa tòa án các cấp với nhau căn cứ vào tính chất của tội phạm. Theo đó, việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự sẽ được phân chia thẩm quyền cho hai cấp tòa án: Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, cụ thể:
- Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực:
Được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Nói cách khác, Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định hình phạt từ 15 năm tù trở xuống trừ:
+ Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
+ Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
+ Các tội quy định tại các Điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 Bộ luật hình sự năm 1999.
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu:
Được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 170, Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án thuộc bốn trường hợp sau:
+ Những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;
+ Những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.
Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không quy định cụ thể những vụ án nào thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực nhưng Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu lấy lên để xét xử. Do đó, Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát và Thủ trưởng cơ quan điều ra cấp tỉnh cần căn cứ vào khả năng thực tế của các Thẩm phán, Kiểm sát viên và Điều tra viên ở cấp huyện mà xác định những loại vụ án nào cần lấy lên để điều tra, truy tố và xét xử ở cấp tỉnh. Tuy nhiên, về cơ bản thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân sự được quy định hoàn toàn giống với Bộ luật tố tụng hình sự 1988, do đó có thể áp dụng quy định tại Thông tư số liên tịch 02/TTLN ngày 12/01/1989 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ tư pháp – Bộ nội vụ hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 1988, nêu rõ: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân cấp tỉnh cần lấy lên để điều tra, truy tố, xét xử đối với:
+Vụ án phức tạp (có nhiều tình tiết khó đánh giá thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành), khó chứng minh, khó giải quyết;
+ Vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, sĩ quan Công an, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
+ Bị cáo phạm nhiều tội trong đó có tội phạm thuộc thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp trên.
2. Hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo sự việc
– Mở rộng thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực (Khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự 2003)
Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự ở nước ta cho thấy, thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực ngày càng được mở rộng. Nếu như trước năm 1960 chỉ được xử vi cảnh, từ 14/7/1960 được phân xử những việc hình sự nhưng không phải mở phiên tòa, từ pháp lệnh 23/3/1961 được xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự có thể phạt từ hai năm tù trở xuống. Từ năm 1981, tòa án nhân dân cấp huyện có quyền xét xử sơ thẩm những vụ án có hình phạt từ 5 năm tù trở xuống. Đến năm 1988, khi Bộ luật tố tụng hình sự 1988 được ban hành, thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực lại càng được mở rộng khi quy định hình phạt từ bảy năm tù trở xuống. Hiện nay, thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, ghi nhận thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực trong xét xử sơ thẩm là những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ 15 năm tù trở xuống. Đây là một sự thay đổi rất hợp lí. Tuy nhiên, số lượng những tội phạm có hình phạt dưới 15 năm tù nhưng lại không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực lại quá nhiều. Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh việc quy định như vậy là hợp lí bởi tính chất “chính trị”, mức độ nguy hiểm cao trong đó tuy nhiên với những tội phạm được liệt kê tại Điểm c Khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có những tội phạm người không cần thiết loại bỏ thẩm quyền đối với Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực ví dụ như Điều 95: Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Điều 96: tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Điều 172: tội vi phạm các quy định về nghiên cứu thăm dò, khai thác tài nguyên…. Thay vào đó, căn cứ từng trường hợp, xét tính chất nguy hiểm cụ thể từng tội phạm mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu có thể lấy lên để xét xử nếu thấy cần thiết theo quy định tại Khoản 2 Điều 170. Còn với những trường hợp thông thường, những tội phạm này vẫn quy định thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ nhất, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán ở hầu hết các Tòa án cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực đang ngày càng nâng cao, đáp ứng được yêu cầu xét xử đặt ra đối với những tội phạm nói trên;
Thứ hai, việc loại trừ thẩm quyền đối với quá nhiều tội phạm như vậy sẽ làm cho lượng công việc phải giải quyết của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu là khá nặng, gây nên tình trạng tồn đọng án, chậm trễ trong giải quyết. Trong khi đó, Tòa án nhân dân cấp huyện tuy nói rằng thẩm quyền xét xử sơ thẩm đang ngày càng được mở rộng nhưng trên thực tế lại sự mở rộng là không nhiều vì số lượng tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự có hình phạt dưới 15 năm tù nhưng lại thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh là khá nhiều.
Thứ ba, với sự thay đổi của xã hội hiện nay, khác với trước đây, những tội phạm như giết người, …hiện nay xảy ra tương đối phổ biến. Mặt khác, việc xét xử sơ thẩm tại Tòa án cấp huyện sẽ phát huy tác dụng giáo dục cao hơn đồng thời tiết kiệm chi phí tố tụng (tiền đi lại, lưu trú, tiền ở…)
Trên cơ sở những phân tích ở trên, người viết kiến nghị cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực bằng cách loại bỏ bớt một số loại tội phạm được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu có thể lấy lên để xét xử theo quy định tại Khoản 2 Điều 170.
-Quy định cụ thể “những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử” (Khoản 2 Điều 170)
Hiện nay, việc hiểu thế nào là “những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử” vẫn theo Thông tư số 02/TTLN ngày 12/1/1989 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 bởi không có một văn bản nào hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định cụ thể về vấn đề này. Mặt khác, quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu ở hai Bộ luật là tương đương nhau. Nhưng thiết nghĩ, việc áp dụng như vậy là không hợp lí bởi thông tư này hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 chứ không phải là 2003. Bên cạnh đó, thực tiễn xét xử vẫn có một số trường hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án không thống nhất với nhau về thẩm quyền xét xử nên vụ án không được xét xử theo đúng thẩm quyền. Điều này xuất phát từ việc Thông tư 02 hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự 1988 chứ không phải Bộ luật tố tụng hình sự 2003 vì vậy Tòa án hoặc Viện kiểm sát có thể lấy đó làm lí do để không thi hành theo quy định của Thông tư 02. Ví dụ: Vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh nhưng Viện kiểm sát cấp tỉnh không truy tố nên phải để cho Tòa án huyện xét xử. Do đó, pháp luật cần ban hành văn bản có quy định cụ thể để hướng dẫn thi hành quy định này để các quy định được hiểu một cách thống nhất, tránh tình trạng gây khó khăn cho Tòa án trong việc áp dụng giải quyết.
Quy định về vấn đề này vẫn thừa kế những quy định tại Thông tư 02/1989 tuy nhiên cần phải giải thích một cách rõ ràng, tỉ mỉ thế nào là vụ án phức tạp. Việc quy định “có nhiều tình tiết khó đánh giá thống nhất về tính chất vụ án” là khá mơ hồ, gây khó khăn trong việc hiểu và giải thích. Cụm từ này phải được hiểu là vụ án có số lượng tình tiết tương đối nhiều, trong đó nhiều tình tiết mâu thuẫn nhau, không thể xác định được tình tiết nào đáng tin cậy, tình tiết nào thiếu tin cậy.
-Gộp quy định tại Điều 173 vào Khoản 2 Điều 170
Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định “Khi bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp trên thì Tòa án cấp trên xét xử toàn bộ vụ án”. Suy cho cùng Điều 173 quy định việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có cả tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực, có cả tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu thì thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự vẫn thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu. Do đó, người viết cho rằng tách nội dung này ra thành một điều luật là không cần thiết bởi về mặt bản chất trường hợp này vẫn quy định thẩm quyền cho Tòa án cấp trên. Trong khi đó, Khoản 2 Điều 170 quy định thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu. Vì vậy, nên ghi nhận luôn trường hợp quy định tại Điều 173 là trường hợp thứ ba ngoài hai trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 170 để tránh thực trạng như hiện tại, quy định một cách rời rạc, thiếu thống nhất, gây khó khăn trong việc áp dụng, dễ dẫn đến tình trạng bỏ sót thẩm quyền.