Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ. Cấu thành của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ theo quy định của Luật hình sự.
Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ. Cấu thành của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ theo quy định của Luật hình sự.
Điều 130, Bộ luật hình sự có quy định về tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ:
Người nào dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Theo đó cấu thành của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ là:
1.Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo luật định (từ đủ 16 tuổi trở lên). Trong thực tế thì chủ thể của tội phạm này là người có quan hệ nhất định với người phụ nữ về mặt gia đình như bố, mẹ, anh, chị…hoặc về mặt xã hội như thủ trưởng với nhân viên dưới quyền…
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ .
Đối tượng tác động của tội phạm này là các hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội của phụ nữ.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Căn cứ quy định của pháp luật thì xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ đến mức bị coi là tội phạm là hành vi dùng vũ lực hoặc hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội. Người phạm tội đã có hành vi cản trở không cho phụ nữ tham gia các hoạt động trên lĩnh vực mà theo Hiến pháp và pháp luật quy định họ có quyền tham gia. Thông thường, hành vi cản trở được thực hiện bằng những thủ đoạn sau:
Dùng vũ lực: Là dùng sức mạnh về thể chất tác động vào thân thể người phụ nữ như đánh, trói.. để buộc người phụ nữ phải làm hoặc không được phép làm nột việc theo ý muốn của người dùng vũ lực. Ví dụ như đánh, trói, nhốt trong buồng, trong hầm để phụ nữ không tham gia được các hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội.
Hành vi nghiêm trọng khác: Là những hành vi như lợi dụng chức vụ, quyền hạn đe dọa, uy hiếp tinh thần người phụ nữ buộc họ phải làm theo ý muốn của người phạm tội hoặc lợi dụng mê tín dị đoan để dọa nạt người phụ nữ khiến họ sợ hãi mà không dám tham gia hoặc từ bỏ tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…
b. Hậu quả
Hâu quả của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ là những thiệt hại do hành vi cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội. Những thiệt hại này có thể là thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần, nhưng chủ yếu là thiệt hại về tình thần mà trực tiếp là các quyền của phụ nữ bị xâm phạm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành vi cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa xã hội là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc: nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Người phạm tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn người phụ nữ không tham gia được các hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội.