Đối tượng nào được phép kinh doanh thẩm tra an toàn giao thông? Kinh doanh thẩm tra an toàn giao thông quy định tại Nghị định 11/2010/NĐ-CP
Trong thời gian gần đây, việc nghiệm thu các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi do Bộ Giao thông vận tải – cơ quan chủ quản ngành giao thông vận tải trực thuộc Chính phủ đã triển khai đầu tư – xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm bằng các hình thức đầu tư khác nhau như hình thức đầu tư thông qua hợp đồng BOT, BTO, BT,… đã góp phần cải thiện nhanh chóng bộ mặt cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới. Chính điều này, việc nghiệm thu, thẩm tra an toàn giao thông ngày càng được chú trọng. Theo quy định của pháp luật hiện hành về thẩm tra an toàn giao thông thì việc thẩm tra an toàn giao thông có thể được thực hiện thông qua tổ chức hoặc cá nhân.
Theo đó, tổ chức thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Điều 12, Khoản 1, Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Cụ thể như sau:
a) Đối với các dự án xây dựng công trình thuộc lĩnh vực an ninh – quốc phòng; công trình sản xuất chất độc hại, hạ tầng khu công nghiệp; xây dựng công trình công nghiệp nặng có giá trị trên 1.500 tỷ đồng, công trình giao thông, thủy lợi, điện, cơ khí, hóa, dược, thiết bị y tế có giá trị trên 1.000 tỷ đồng; công trình công nghiệp nhẹ, khu bảo tồn thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp có giá trị trên 700 tỷ đồng; công trình y tế, văn hóa, giáo dục có giá trị trên 500 tỷ đồng (dự án thuộc nhóm A) và các dự án xây dựng công trình công nghiệp nặng có giá trị từ 75 đến 1.500 tỷ đồng; công trình giao thông, thủy lợi, điện, cơ khí, hóa, dược, thiết bị y tế có giá trị từ 50 đến 1.000 tỷ đồng; công trình công nghiệp nhẹ, khu bảo tồn thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp có giá trị từ 40 đến 700 tỷ đồng; công trình y tế, văn hóa, giáo dục có giá trị từ 30 đến 500 tỷ đồng (dự án thuộc nhóm B) thì tổ chức thẩm tra an toàn giao thông phải có ít nhất 10 người, trong đó ít nhất có 04 kỹ sư đường bộ; 01 kỹ sư vận tải đường bộ và có tối thiểu 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.
b) Đối với các dự án xây dựng công trình công nghiệp nặng có giá trị dưới 75 tỷ đồng; công trình giao thông, thủy lợi, điện, cơ khí, hóa, dược, thiết bị y tế có giá trị dưới 50 tỷ đồng; công trình công nghiệp nhẹ, khu bảo tồn thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp có giá trị dưới 40 tỷ đồng; công trình y tế, văn hóa, giáo dục có giá trị dưới 30 tỷ đồng (dự án thuộc nhóm C) thì tổ chức thẩm tra an toàn giao thông phải có ít nhất 05 người, trong đó có tối thiểu 01 kỹ sư đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và có 01 người đủ điều kiện làm chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp cá nhân tham gia thẩm tra an toàn giao thông (thẩm tra viên) thì những cá nhân đó phải đáp ứng những yêu cầu được quy định tại Khoản 2, Điều 12, Nghị định 11/2010/NĐ-CP:
a) Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành giao thông đường bộ (đường bộ, cầu, giao thông công chính, vận tải đường bộ), có thời gian làm việc về thiết kế công trình đường bộ ít nhất 03 năm hoặc có trình độ từ đại học trở lên và đã trực tiếp quản lý giao thông đường bộ ít nhất 05 năm, trong đó đã tham gia thiết kế hoặc trực tiếp xử lý an toàn giao thông từ 03 công trình trở lên;
b) Có chứng chỉ Thẩm tra viên an toàn giao thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Đáp ứng đủ các yêu cầu trên, các tổ chức, cá nhân mới được phép thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông.
Mong rằng, với những quy định trên của Nghị định 11/2010/NĐ-CP, các công trình giao thông ở các địa phương trên địa bàn cả nước sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn và đảm bảo an toàn giao thông cho những người tham gia giao thông một cách tốt nhất.