Nghị định số 70/2012/NĐ-CP Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
NGHỊ ĐỊNH
Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt
quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh
__________
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản của Luật xây dựng ngày 29 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Nghị định này quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là di tích).
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam khi tiến hành các hoạt động lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là việc xác định phạm vi và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích trong một khu vực xác định, định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích.
2. Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là tập hợp đề xuất về các biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và các yếu tố khác có liên quan nhằm mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
3. Báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có quy mô nhỏ được lập theo quy định của Luật xây dựng và các văn bản quản lý đầu tư xây dựng cần phải tuân thủ trong thời gian lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật.
4. Quy chuẩn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là các quy định bắt buộc áp dụng trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch ban hành.
5. Tiêu chuẩn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là chuẩn mực kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật, trình tự thực hiện các công việc kỹ thuật, các chỉ tiêu, các chỉ số kỹ thuật, các chỉ số tự nhiên được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận để áp dụng trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tiêu chuẩn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gồm tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng.
Điều 3. Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, di sản văn hóa, các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi khu vực quy hoạch đã được phê duyệt nhằm đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, thống nhất và hài hòa về hình thái không gian, kiến trúc khu vực, đảm bảo môi trường cảnh quan bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong khu vực.
3. Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải được lập, phê duyệt với định hướng lâu dài từ 10 năm đến 20 năm để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi, khai thác, phát huy giá trị di tích. Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải phân thành định kỳ 5 năm kể từ năm 2010 để đánh giá lại, xem xét điều chỉnh (nếu cần thiết) nhằm phù hợp với thực tiễn bảo vệ di tích, với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt còn hiệu lực hoặc đã thực hiện.
4. Quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải xuất phát từ nhiệm vụ giữ gìn tối đa các yếu tố gốc của di tích để phát huy giá trị. Đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường cảnh quan trong khu vực quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật.
5. Dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phù hợp với quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
6. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Điều 4. Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong việc quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
1. Tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là quy hoạch di tích), lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là dự án tu bổ di tích), lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích), lập thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng.
2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định chi tiết điều kiện chuyên môn của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện lập quy hoạch di tích, lập dự án tu bổ di tích, lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, lập thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Điều 5. Kinh phí lập quy hoạch di tích
Kinh phí lập quy hoạch di tích được cân đối từ nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm của ngân sách địa phương, ngân sách của Bộ, ngành được giao quản lý di tích và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Chương II
QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH
Điều 6. Phân loại quy hoạch di tích
Quy hoạch di tích được phân làm hai loại sau đây:
1. Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích (sau đây gọi chung là quy hoạch hệ thống di tích) là quy hoạch toàn bộ di tích trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích;
2. Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là quy hoạch tổng thể di tích) là quy hoạch đối với một di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Điều 7. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch di tích
Quy hoạch di tích với sản phẩm là các hồ sơ (bản vẽ, thuyết minh) và đồ án quy hoạch, được thực hiện theo trình tự sau đây:
1. Xin chủ trương (kèm theo khái toán sơ bộ) các công việc phục vụ lập quy hoạch di tích;
2. Tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá sơ bộ về: Các vấn đề kinh tế – xã hội; bảo vệ và phát huy giá trị di tích; đầu tư xây dựng và các vấn đề liên quan;
3. Thu thập bản đồ đo đạc địa hình khu vực, bản đồ quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt còn hiệu lực liên quan tới khu vực lập quy hoạch di tích;
4. Tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, lập hồ sơ (bản vẽ, thuyết minh) đánh giá về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích, di vật, di sản văn hóa phi vật thể thuộc phạm vi quy hoạch;
5. Tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch di tích;
6. Lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch di tích;
7. Tổ chức điều tra, khảo sát chi tiết, khai quật khảo cổ, thu thập tài liệu liên quan đến nội dung quy hoạch di tích;
8. Lập đồ án quy hoạch di tích;
9. Lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan về đồ án quy hoạch di tích;
10. Thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch di tích;
11. Công bố công khai quy hoạch di tích đã được phê duyệt tại địa phương nơi có di tích.
12. Tổ chức cắm mốc giới theo quy hoạch di tích được duyệt.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568