Điều kiện chi phối đến bội chi ngân sách Nhà nước. Các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội ảnh hưởng như thế nào đến bội chi ngân sách?
Điều kiện chi phối đến bội chi ngân sách Nhà nước. Các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội ảnh hưởng như thế nào đến bội chi ngân sách?
Pháp luật là sự phản ánh dưới hình thức pháp lý các quan hệ xã hội, một sự phản ánh lệ thuộc vào những biến đổi của xã hội. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá không chính xác, không đầy đủ những yếu tố khách quan khi ban hành pháp luật cũng dẫn đến pháp luật không phù hợp với những đòi hỏi của cuộc sống và pháp luật không thể phát huy được tác dụng. Để pháp luật phản ánh đúng, đầy đủ thực tiễn khách quan, những tiến trình đang diễn ra trong đời sống xã hội thì phải thường xuyên hoàn thiện pháp luật trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng kinh tế – xã hội, thực trạng pháp luật hiện hành. Từ thực trạng đó phát hiện ra những điểm không phù hợp trong các quy định của pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn khách quan. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng kinh tế – xã hội mà phát hiện ra những nhu cầu điều chỉnh mới của pháp luật để kịp thời xây dựng và ban hành pháp luật. Nếu không có những khảo sát, đánh giá thực trạng kinh tế – xã hội thì không thể có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn xác đáng để xây dựng và thực hiện pháp luật, pháp luật không thể phát huy vai trò của nó trong đời sống, thậm chí pháp luật chỉ nằm trên giấy.
Để pháp luật đi vào cuộc sống, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật ngân sách nhà nước (NSNN) nói chung và bội chi NSNN nói riêng thì cần xuất phát từ thực trạng kinh tế – xã hội của đất nước trong từng giai đoạn để đặt ra các quy định pháp luật về bội chi NSNN cho phù hợp.
Khi tình hình kinh tế, chính trị – xã hội của một đất nước ổn định thì sẽ tạo điều kiện cho người dân lao động sản xuất, thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế đất nước từ đó sẽ tạo ra nhiều nguồn thu hơn cho NSNN và giảm chi tiêu ngân sách cho các vấn đề an sinh, xã hội. Từ đó áp lực lên bội chi NSNN cũng được giảm dần.
Về chi NSNN, cũng do nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn đầu phát triển nên cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội còn nhiều bất cập, thể chế tài chính chưa hoàn thiện và do tốc độ tăng giá tương đối cao… nên áp lực tăng chi NSNN là rất lớn. Ðặc biệt năm 2009, chi NSNN đã được điều chỉnh tăng do Chính phủ thực hiện các chính sách kích cầu đầu tư, tiêu dùng nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong khi đó, nguồn thu NSNN bị giảm, nhất là thu từ dầu thô và thu xuất nhập khẩu giảm do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, áp lực cân đối NSNN là rất lớn. Thêm vào đó, với quy trình ngân sách nhà nước truyền thống, theo năm và giới hạn bội chi NSNN là 5% GDP nên mức bội chi thực tế luôn tiệm cận ở giới hạn cho phép. Như vậy, khả năng điều chỉnh bội chi NSNN theo chiều hướng giảm xuống theo các biến động kinh tế – xã hội là rất hạn chế
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, gây tác động bất lợi tới nguồn thu nội địa, thu xuất nhập khẩu. Thêm vào đó, giá dầu vẫn ở mức thấp so với mức đỉnh điểm năm 2008 và sự suy giảm sản lượng dầu xuất khẩu, nhập khẩu (cùng với sự ra đời của nhà máy lọc dầu trong nước) cũng làm hạn chế số thu từ dầu thô và thu thuế nhập khẩu xăng dầu trong các năm tới. Trong khi đó, các áp lực chi có xu hướng mạnh hơn. Một mặt, việc triển khai chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng đã gây áp lực lên việc điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, tạo nguy cơ lạm phát trong tương lai. Nguy cơ lạm phát cao lại tạo áp lực đối với tăng chi an sinh xã hội, chi tiền lương. Mặt khác, các nút thắt về cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, vận tải, điện, lao động có kỹ năng và trình độ quản lý… đang đặt ra các yêu cầu chi NSNN tăng cao và việc chi NSNN tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bội chi NSNN tạo áp lực về quy định sao cho tăng nguồn thu NSNN để bù đắp bội chi NSNN.