Phân biệt mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và vì mục đích thương mại? Hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo? Xử phạt hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại?
Việc sinh con là một thiên chức của người mẹ, là niềm vui, hạnh phúc của tất cả các gia đình khi chào đón một thành viên mới. Tuy nhiên, sự may mắn đó không phải người phụ nữ nào cũng có thể làm được bởi những lý do tác động từ nhiều phía mặc dù hiện nay, đội ngũ y, bác sỹ đã áp dụng nhiều phương pháp như cấy phôi thai, thụ tinh nhân tạo nhưng vẫn không thể mang thai được. Để có thể bù đắp cho họ, nhà nước đã quy định về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tức là những người thân thích trong gia đình mang thai hộ trong trường hợp không sinh con được. Trong thực tế, ngoài biện pháp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì còn có cả mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng pháp luật không cho phép. Vậy, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại khác nhau như thế nào?
1. Phân biệt mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và vì mục đích thương mại
Mang thai hộ là trường hợp sau khi thụ thai trong ống nghiệm, nếu người mẹ vì lý do sức khỏe hay vì điều kiện nào đó không thể mang thai, phải nhờ đến người phụ nữ khác mang thai và sinh đẻ. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại có những điểm khác biệt cụ thể như sau:
Thứ nhất, Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
– Mục đích: người mang thai hộ tự nguyện mà không vì lợi ích vật chất hoặc một lợi ích nào khác;
– Điều kiện được mang thai hộ: là người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc chồng người nhờ mang thai hộ; chỉ được mang thai hộ một lần;
– Điều kiện được nhờ mang thai hộ: người vợ trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ không thể sinh con ngay cả khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Thứ hai, Mang thai hộ vì mục đích thương mại
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
– Mục đích: chỉ vì các lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác;
– Không có điều kiện;
– Không có điều kiện mà chỉ do nhu cầu của người nhờ mang thai hộ.
Mang thai hộ là một thành tựu khoa học trong lĩnh vực y học đã và đang là mối quan tâm của nhiều người trong xã hội. Song để vấn đề này phát triển đúng hướng, đúng ý nghĩa xã hội, thì pháp luật cần phải điều chỉnh quan hệ này một cách kịp thời, cụ thể, tránh hiện tượng lạm dụng đi ngược lại bản chất xã hội của mang thai hộ và quan trọng nhất là tránh những tranh chấp có thể phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ này.
2. Hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
– Theo quy định pháp luật thì cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, gồm:
+ Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định 10/2015 NĐ/CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
+ Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định 10/2015 NĐ/CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
+ Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
+ Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
+ Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
+ Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và đã từng sinh con;
+ Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
+ Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
+ Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
+ Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
+ Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
+ Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.
3. Xử phạt hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại
Theo quy định của pháp luật thì việc mang thai hộ được pháp luật quy định, tuy nhiên pháp luật chỉ chấp thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chứ không công nhận việc mang thai vì mục đích thương mại. Bởi lẽ việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là mang thai không vì lợi ích mà mang thai tự nguyện, hình thức này thường áp dụng trong các trường hợp là người thân thích trong gia đình; còn mang thai vì mục đích thương mại là để được hưởng lợi ích vật chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, ảnh hưởng đến văn hóa phòng tục Việt Nam.
Chính vì vậy, việc mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị nhà nước xử phạt
Người có hành vi vi phạm quy định nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, có thể bị xử lý hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
– Xử lý hành chính: Khoản 1 Điều 60
– Xử lý hình sự: Điều 187
“1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Căn cứ quy định nêu trên, người có hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền tối đa là 10 triệu đồng. Người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử lý hình sự, với mức hình phạt cao nhất là 05 năm tù.
Theo đó, việc mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ, tổ chức gây hậu quả theo quy định và xử phạt với những đối tượng, những người tổ chức, môi giới việc mang thai hộ vì mục đích thương mại này. Người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù đến 05 năm.