Sự đổi mới của các quy định về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 so với Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Một trong số các mục tiêu của Luật doanh nghiệp năm 2005 là đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế. Theo đó, áp dụng thống nhất khung quản trị theo loại hình doanh nghiệp không phân biệt sở hữu. Đồng thời, đổi mới quản trị và cơ chế thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn nhà nước đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước với năm nguyên tắc: Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu với vai trò là người đầu tư vốn như các nhà đầu tư khác; thực hiện bảo toàn và phát triển vốn đầu tư không chỉ ở từng doanh nghiệp mà toàn bộ vốn đầu tư kinh doanh của nhà nước trong toàn bộ doanh nghiệp; tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; và thực hiện thống nhất và tập trung các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn.
Tuy vậy, việc triển khai áp dụng các nguyên tắc mới về quản trị doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ. Thực tế này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là Luật Doanh nghiệp năm 2005 chưa hoặc chưa có quy định cụ thể về những vấn đề mang tính riêng biệt trong quản trị doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể đó là chưa có quy định đặc thù trong tổ chức quản trị và quy trình ra quyết định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, như: quyền và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên, mối quan hệ giữa Hội đồng thành viên và chủ sở hữu và giữa cơ quan chủ sở hữu nhà nước và người đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp…
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Do đó, Luật doanh nghiệp năm 2014 lần này dành hẳn một chương đó là Chương IV về Doanh nghiệp nhà nước. Chương này gồm 25 Điều, từ Điều 89 đến 113, với hai nội dung cơ bản bao gồm:
Một là, quy định về các nguyên tắc quản trị trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chủ sở hữu là nhà nước (tức là quy định chi tiết hơn hoặc chặt chẽ hơn so với quy định tương ứng trong Mục II Chương III về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên). Trong đó, bổ sung quy định cụ thể và chi tiết hơn các quyền và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên; quy định cụ thể hơn và chi tiết các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng thành viên; quy định chi tiết chế độ làm việc, điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên.
Đồng thời, quy định điều kiện, tiêu chuẩn cao hơn đối với thành viên Hội đồng thành viên, như: không đồng thời là cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoặc các chức vụ quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp thành viên; chưa từng bị miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc, Phó Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc tại công ty hoặc ở doanh nghiệp nhà nước khác, …
Hai là, quy định về yêu cầu công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp nhà nước và khắc phục bất cập hiện nay; theo đó doanh nghiệp nhà nước sẽ phải công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường và với mức độ công khai hóa thông tin tương tự như công ty cổ phần niêm yết.
Bên cạnh đó, thay vì quy định Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, Luật Doanh nghiệp năm 2014 sửa đổi quy định doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, còn lại nên cổ phần hóa hết để bình đẳng về địa vị, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng về bảo hộ của Nhà nước.