Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
NGHỊ ĐỊNH
Về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Nghị định này quy định việc quản lý và thực hiện đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đối với:
a) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (được xác định trong Luật Ngân sách nhà nước), các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh), các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) và cấp xã quản lý;
b) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ do Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập và các tổ chức quản lý Quỹ khác (được xác định trong Luật Ngân sách nhà nước) quản lý;
c) Dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên hoặc lớn nhất trong tổng mức đầu tư của dự án;
d) Phần ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong các dự án đầu tư xây dựng công trình và các dự án đầu tư không có xây dựng công trình được quản lý như đối với một dự án ứng dụng công nghệ thông tin độc lập theo quy định tại Nghị định này;
đ) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc diện bí mật quốc gia không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này;
e) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải thu hồi vốn, Chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi và hoàn trả vốn đầu tư;
g) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), Chủ đầu tư thực hiện theo thỏa thuận tín dụng, cùng các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, và các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA;
h) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, việc lập dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định này; việc thẩm định dự án, quyết định đầu tư và quản lý dự án thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ trên cơ sở đề xuất và kiến nghị của cơ quan có dự án;
i) Đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án, việc sử dụng kinh phí thực hiện theo đề cương và dự toán chi tiết được người có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
Việc lập đề cương và dự toán chi tiết được thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính.
2. Đối tượng áp dụng:
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn khác áp dụng các quy định tại Nghị định này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Dự án ứng dụng công nghệ thông tin" là tập hợp những đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu nhằm đạt được sự cải thiện về tốc độ, hiệu quả vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ trong ít nhất một chu kỳ phát triển của công nghệ thông tin.
2. "Phần mềm thương mại" gồm phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, phần mềm tiện ích, phần mềm công cụ, phần mềm nhúng; được phát triển hoàn chỉnh, được đăng ký thương hiệu và nhân bản hàng loạt để cung cấp ra thị trường.
3. "Phần mềm nội bộ" là phần mềm được phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa theo các yêu cầu riêng của tổ chức, hoặc người sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của tổ chức và được sử dụng trong nội bộ tổ chức đó.
4. "Phần mềm mã nguồn mở" là phần mềm được tác giả cung cấp với mã nguồn kèm theo, người sử dụng không phải trả chi phí bản quyền mua mã nguồn.
5. "Phát triển phần mềm" là việc gia công, sản xuất phần mềm theo đơn đặt hàng nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng nội bộ hoặc nhằm mục đích kinh doanh thương mại trên thị trường.
6. "Chỉnh sửa phần mềm" là việc sửa đổi, làm tăng hiệu năng của phần mềm đã có nhằm tối ưu hóa khả năng xử lý các yêu cầu của người sử dụng.
7. "Nâng cấp phần mềm" là việc chỉnh sửa phần mềm với việc tăng cường chức năng – khả năng xử lý của phần mềm đã có nhằm đáp ứng thêm một số yêu cầu của người sử dụng.
8. "Sự cố" là những sai hỏng, trục trặc (phần cứng và/hoặc phần mềm) khiến hệ thống không còn đáng tin cậy, trục trặc trong vận hành, hay hoạt động bất bình thường.
9. "Người có thẩm quyền quyết định đầu tư" là người đại diện theo pháp luật của tổ chức, cơ quan nhà nước hoặc tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, được quy định tại các Điều 5, Điều 6 Nghị định này.
10. "Chủ đầu tư" là người được giao quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
11. "Tổng mức đầu tư" là toàn bộ chi phí dự tính để đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư và là cơ sở để Chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư.
12. "Tổng dự toán" là tổng chi phí cần thiết cho việc đầu tư (chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư, chi phí kết thúc đầu tư, và các chi phí khác của dự án ứng dụng công nghệ thông tin) không vượt tổng mức đầu tư được duyệt.
13. "Thiết kế sơ bộ" bao gồm phần thuyết minh và các sơ đồ bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật, và các nội dung khác bảo đảm thể hiện được phương án thiết kế. Thiết kế sơ bộ có thể gồm một hoặc nhiều hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin. Thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt là căn cứ để lập và xét duyệt thiết kế thi công.
14. "Thiết kế thi công" là các tài liệu thể hiện bằng thuyết minh, bản vẽ, các mô tả nội dung thiết kế, yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng khác; được triển khai trên cơ sở thiết kế sơ bộ cùng nội dung dự án được duyệt.
15. "Giám sát tác giả" là công việc kiểm tra, giải thích hoặc xử lý những vướng mắc, thay đổi, phát sinh nhằm đảm bảo việc thi công lắp đặt, cài đặt, hiệu chỉnh vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm thương mại, hoặc phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu theo đúng thiết kế thi công và bảo vệ quyền tác giả của cá nhân, tổ chức tư vấn lập thiết kế thi công.
16. "Giám sát thi công" là hoạt động theo dõi thường xuyên, liên tục, có hệ thống của cá nhân, tổ chức giám sát thi công nhằm quản lý khối lượng, chất lượng, tiến độ các công tác lắp đặt, cài đặt, hiệu chỉnh vật tư, thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm thương mại, hoặc phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu do nhà thầu thi công thực hiện theo: hợp đồng, thiết kế thi công được duyệt, hệ thống danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin và các yêu cầu đối với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng. Nội dung công tác giám sát thi công thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568