Hạn mức bảo lãnh áp dụng đối với tổ chức tín dụng. Vậy hạn mức bảo lãnh là gì? Phạm vi giới hạn và chủ thể bảo lãnh ngân hàng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hạn mức bảo lãnh là gì?
Hạn mức bảo lãnh là giới hạn mức cấp bảo lãnh tối đa cho một khách hàng và tổng mức cấp bảo lãnh tối đa so với vốn tự có mà tổ chức tín dụng được phép thực hiện. Hạn mức bảo lãnh chỉ áp dụng đối với tổ chức tín dụng trong việc cung ứng dịch vụ bảo lãnh cho khách hàng.
2. Phạm vi bảo lãnh ngân hàng:
Phạm vi bảo lãnh được hiểu là giới hạn của nghĩa vụ tài sản mà bên bảo lãnh cam kết sẽ thực hiện thay cho khách hàng đối với bên có quyền. Do nghĩa vụ bảo lãnh là nghĩa vụ tài sản và chỉ được thực hiện bằng tài sản của bên bảo lãnh nên phạm vi bảo lãnh phải do bên bảo lãnh tự quyết định và phải được ghi rõ trong văn bản bảo lãnh như một điều khoản chủ yếu.
So với các hoạt động kinh doanh khác, bảo lãnh ngân hàng thường kéo dài dẫn đến khả năng xảy ra rủi ro cao, tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của nền kinh tế. Bởi vậy pháp luật có những quy định chặt chẽ về phạm vi và giới hạn bảo lãnh.
Về nguyên tắc, phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh không thể rộng hơn phạm vi nghĩa vụ được bảo lãnh theo đó bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của khách hàng đối với bên thụ hưởng. Tại Điều 10 Thông tư 11/2022/TT-NHNN, các nghĩa vụ đó có thể là:
“Phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh
Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ tài chính mà bên được bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện với bên nhận bảo lãnh.
Pháp luật cho phép TCTD có quyền chủ trong việc quyết định phạm vi bảo lãnh nhưng nhằm đảm bảo an toàn, pháp luật quy định giới hạn bảo lãnh mà TCTD được phép thực hiện với mỗi khách hàng. Cụ thể, tổng số dư bảo lãnh của TCTD đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của TCTD, tổng số dư bảo lãnh của chi nhánh ngân hàng nước ngoài với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng nước ngoài. Và nếu tổng giá trị các nghĩa vụ bảo lãnh được thể hiện trong các cam kết bảo lãnh của TCTD cho một khách hàng mà vượt quá 15% vốn tự có của TCTD thì TCTD bảo lãnh phải yêu cầu khách hàng đề nghị các TCTD khác cùng đứng ra bảo lãnh.
Trong trường hợp này, các TCTD đồng bảo lãnh có thể thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc phân chia nghĩa vụ bảo lãnh thành các phần độc lập cho mỗi người bảo lãnh và khi đó, nghĩa vụ bảo lãnh của mỗi TCTD là độc lập và không liên đới với các TCTD đồng bảo lãnh khác. Còn nếu không có sự thỏa thuận này thì nghĩa vụ bảo lãnh của các TCTD đồng bảo lãnh sẽ có tính liên đới, đồng thời bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bất cứ TCTD nào trong số các TCTD đồng bảo lãnh phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với mình.
Luật cũng quy định mở đối với các trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội mà khả năng hợp vốn của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, tổng các khoản cấp tín dụng vượt giới hạn không vượt quá 4 lần vốn tự có của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hạn mức 15% là hạn mức không thay đổi so với quy định cũ và cũng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh nó. Thực tế, nhiều ngân hàng đã đề nghị nâng hạn mức tín dụng với một khách hàng lên tối đa là 15-30% vốn tự có của TCTD.
3. Chủ thể trong giao dịch bảo lãnh ngân hàng:
Nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng của tổ chức tín dụng vốn mang bản chất là hoạt động thương mại nên có cấu trúc pháp lý đặc biệt, là sự kết hợp giữa hai loại hợp đồng: hợp đồng bảo lãnh được kí kết giữa bên bảo lãnh với nên nhận bảo lãnh và hợp đồng dịch vụ bảo lãnh được kí kết giữa bên bảo lãnh với bên được bảo lãnh.
Trong một nghiệp vụ bảo lãnh thường có ít nhất ba thành phần sau:
– Bên bảo lãnh (the guarantor): là người phát hành lãnh (ngân hàng, tổ chức tín dụng khác…). Tuy nhiên, để trở có thể hoạt động nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần có những điều kiện sau:
“a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế và thị trường trong nước, trong đó có hoạt động bảo lãnh bằng ngoại tệ;
b) Trong thời hạn 6 tháng liền kề trước thời điểm xem xét thực hiện bảo lãnh cho tổ chức là người không cư trú, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không bị xử phạt vi phạm hành chính các quy định về quản lý ngoại hối, quy định tại Điều 126,
Điều 127, Điều 128 và Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng.
c) Có quy định nội bộ và quản trị rủi ro trong hoạt động bảo lãnh đối với người không cư trú;
d) Có phương án kiểm soát và xử lý rủi ro trong hoạt động bảo lãnh đối với người không cư trú;
đ) Không vi phạm quy định về việc báo cáo Ngân hàng Nhà nước khoản bảo lãnh đối với người không cư trú.”
– Bên được bảo lãnh (the principal): Là người yêu cầu bảo lãnh là các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên cũng có sự giới hạn đó là::
“a) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;
b) Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương.” (các trường hợp thuộc khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng)”.
Đồng thời, theo đó, không phải bất kì cá nhân, tổ chức nào cũng được ngân hàng bảo lãnh mà cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:
“1. Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ bảo lãnh và giao dịch phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh là hợp pháp.
3. Có khả năng thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ cam kết với các bên liên quan trong quan hệ bảo lãnh.”
– Bên nhận bảo lãnh (the creditor): là người nhận cam kết bảo lãnh của ngân hàng. Là tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, phải tuân thủ các điều kiện sau đây khi tham gia vào quan hệ bảo lãnh
+ Có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Đối với người bảo lãnh là một tổ chức thì tổ chức đó phải có người đại diện hợp pháp có đủ năng lực và thẩm quyền.
+ Có các giấy tờ có giá hay bằng chứng khác chứng minh quyền chủ nợ trong một nghĩa vụ cần bảo đảm.
4. Phân loại phương thức bảo lãnh ngân hàng theo mục đích sử dụng:
Căn cứ vào mục đích sử dụng, bảo lãnh ngân hàng được chia làm 6 phương thức khác nhau:
– Bảo lãnh thực hiện hợp đồng:
Bảo lãnh thực hiện hợp đồng là cam kết của ngân hàng về việc chi trả tổn thất thay cho khách hàng nếu khách hàng không thực hiện đầy đủ hợp đồng như cam kết, gây tổn thất cho bên thứ ba. Các hợp đồng được bảo lãnh như hợp đồng cung cấp hàng hoá, xây dựng, thiết kế…
Mục đích: Trong trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng như cung cấp không đúng hạn, không đúng chất lượng cam kết.. thì đều gây tổn thất cho bên thứ ba. Và bảo lãnh ngân hàng một mặt bù đắp một phần tổn thất cho bên thứ ba (Đảm bảo cho họ tránh được rủi ro) mặt khác thúc đẩy khách hành nghiêm chỉnh thực hiện hợp đồng.
Trị giá của bảo lãnh: Tùy theo loại hình và quy mô hợp đồng, giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng từ 10 – 15 % tổng giá trị hợp đồng. Trường hợp đặc biệt, mức bảo lãnh thực hiện hợp đồng có thể yêu cầu trên 15% nhưng phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận. Tuy nhiên số tiền bảo lãnh có thể giảm dần theo tiến độ thực hiện hợp đồng.
Thời hạn hiệu lực: Thư bảo lãnh có giá trị cho đến ngày hoàn thành hợp đồng. Thời hạn hiệu lực được xác định cụ thể theo thoả thuận giữa hai bên. Thời hạn sẽ bắt đầu từ ngày kết thúc đấu thầu kéo dài đến khi hoàn thành hợp đồng như: Hàng hoá đã giao xong, máy móc thiết bị đã được vận hành, công trình đã đưa vào sử dụng…
– Bảo lãnh thanh toán:
Bảo lãnh đảm bảo thanh toán là cam kết của ngân hàng về việc thanh toán tiền theo đúng hợp đồng thanh toán cho người thụ hưởng nếu khách hàng của ngân hàng không thanh toán đủ.
Mục đích: Cung cấp sự đảm bảo cho người thụ hưởng có thể nhận được khoản thanh toán một cách thuận lợi, đầy đủ đúng hạn về các sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ đã cung ứng cho người được bảo lãnh
Trị giá bảo lãnh: Số tiền bảo lãnh thường bằng 100% giá trị hợp đồng.
Thời hạn hiệu lực: Do các bên tự thoả thuận.
– Bảo lãnh đảm bảo hoàn trả vốn vay (Bảo lãnh vay vốn):
Là cam kết của ngân hàng đối với người cho vay (tổ chức tín dụng, các cá nhân..) về việc sẽ trả gốc và lãi đúng hạn nếu khách hàng (người đi vay) không trả được.
Việc bảo lãnh này thường rất phức tạp, khối lượng tiền bảo lãnh lớn nên rủi ro của ngân hàng trong trường hợp người đi vay không trả được nợ cũng lớn theo. Vì vậy ngân hàng cần phải xem xét kỹ tính khả thi của dự án, tài sản thế chấp.. trước khi phát hành thư bảo lãnh.
Trị giá của bảo lãnh: Theo thoả thuận, có thể chỉ gồm phần gốc hoặc có tính cả lãi và chi phí, phải quy định rõ lãi và chi phí đã thoả thuận chưa hay còn phải tính tiếp.
Thời hạn hiệu lực: Là thời hạn hoàn trả tín dụng đã thoả thuận, tốt nhất quy định khoảng 10 ngày kể từ ngày nợ đến hạn.
– Bảo lãnh dự thầu:
Khái niệm: Là cam kết của ngân hàng với chủ đầu tư (hay chủ thầu) về việc trả tiền phạt thay cho bên dự thầu nếu bên dự thầu vi phạm các quy định trong hợp đồng dự thầu.
Mục đích: Đảo bảo cho việc người dự thầu không rút lui, không ký hợp đồng hay thay đổi ý định đã được trúng thầu. Nếu người dự thầu đã trúng thầu nhưng không ký hợp đồng thì chủ thầu (người thụ hưởng) sẽ rút dần thanh toán từ bảo lãnh để trang trải cho chi phí đấu thầu, thiệt hại do chậm tiến độ thi công hay chi phí để tổ chức lại một cuộc đấu thầu khác.
Trị giá của bảo lãnh: Thông thường có giá trị từ 1- 5% giá trị hợp đồng đấu thầu.
Thời hạn hiệu lực: Thời hạn hiệu lực của bảo lãnh sẽ chỉ chấm dứt khi bên được bảo lãnh (người tham gia dự thầu) không trúng thầu hoặc sau khi ký kết hợp đồng hoặc chấp nhận ký kết hợp đồng nếu bên được bảo lãnh trúng thầu.
– Bảo lãnh đảm bảo hoàn trả tiền ứng trước:
Khái niệm: là cam kết của ngân hàng về việc sẽ hoàn trả tiền ứng trước cho bên mua người hưởng bảo lãnh) nếu bên cung cấp (người được bảo lãnh) không trả hoặc trả không đầy đủ.
Mục đích: Đảm bảo cho bên yêu cầu bảo lãnh sẽ nhận lại số tiền trước kia đã đặt cọc cho bên được bảo lãnh để giúp thực hiện hợp đồng như đã thoả thuận, nhưng thực tế không thực hiện được. Bảo lãnh tiền ứng trước thường được sử dụng trong các
Trị giá của bảo lãnh: Số tiền bảo lãnh bằng số tiền đặt cọc (kể cả tiền lãi) được tính từ ngày nhận được số tiền đặt cọc tới ngày giao hàng cuối cùng cộng thêm một số ngày để người thụ hưởng làm thủ tục đòi tiền. Bảo lãnh loại này cũng có một số điều khoản quy định giảm giá trị bảo lãnh tương ứng với số lượng hàng hoá được giao đối với các loại hàng hoá sản xuất, máy móc, công trình… số tiền đặt cọc thường từ 5- 10% giá trị hợp đồng.
– Thời hạn hiệu lực: bằng thời gian thực hiện hợp đồng tức là kể từ khi người được bảo lãnh nhận được số tiền đặt cọc cho đến ngày giao hàng cuối cùng, có thể cộng thêm một số ngày làm thủ tục đòi tiền do hai bên quy định.
– Bảo lãnh bảo hành hay bảo lãnh đảm bảo chất lượng sản phẩm theo hợp đồng:
Là loại bảo lãnh mà ngân hàng bảo lãnh cam kết với chủ thầu trong trường hợp chủ thầu vi phạm hợp đồng về chất lượng sản phẩm phải bồi thường cho chủ thầu mà nhà thầu không bồi thường hoặc bồi thường không đủ thì ngân hàng bảo lãnh phải chịu trách nhiệm trả thay cho nhà thầu.
Mục đích: loại bảo lãnh này áp dụng chủ yếu trong xây dựng và các hợp đồng cung ứng thiết bị đồng bộ để bảo hành thiết bị máy móc…
Trong thời gian bảo hành này nếu có sự cố xảy ra đối với sản phẩm phát sinh do chất lượng sản phẩm không đảm bảo thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu được bồi thường từ phía ngân hàng bảo lãnh.
Trị giá bảo lãnh: Theo thoả thuận thường bằng 5 – 10% giá trị hợp đồng.
Thời hạn hiệu lực: Từ lúc bắt đầu lắp ráp sử dụng thiết bị cho đến hết thời hạn bảo hành của thiết bị.
– Bảo lãnh miễn khấu trừ giá trị hoá đơn:
Là cam kết của ngân hàng với người mua về việc thanh toán số tiền khấu trừ giá trị hợp đồng trong trường hợp người bán vi phạm hợp đồng.
Mục đích: Một số hợp đồng giao dịch thường quy định một điều khoản cho phép người mua giữ lại một phần giá trị hợp đồng. Việc thanh toán nốt số tiền này sẽ được thực hiện sau khi người cung cấp hoàn thành nghĩa vụ của mình và được người mua chấp nhận. Số tiền giữ lại này có thể được thay thế bằng bảo lãnh của ngân hàng để khỏi ảnh hưởng tới nguồn tài chính của người bán. Như vậy, bảo lãnh miễn khấu trừ giá trị hợp đồng cho phép người bán nhận được tổng số tiền thanh toán nhưng phải cam kết với người mua rằng số tiền bảo lãnh sẽ được hoàn trả cho người mua trong trường hợp người bán không thực hiện nghĩa vụ hoặc vi phạm các điều kiện của hợp đồng.
Trị giá bảo lãnh: Thường từ 5 – 10% giá trị hợp đồng.
Thời hạn hiệu lực: Do hai bên thoả thuận với nhau.
5. Hình thức và nội dung của giao dịch bảo lãnh ngân hàng:
Bảo lãnh ngân hàng là một hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng, đây là dịch vụ không thể thiếu trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Mặc dù là hoạt động mang tính rủi ro cao nhưng bảo lãnh ngân hàng lại có ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng. Để hoạt động bảo lãnh ngân hàng được hiệu quả, pháp luật có quy định về phạm vi, hình thức và nội dung của loại giao dịch này.
1. Phạm vi bảo lãnh ngân hàng của các tổ chức tín dụng
Theo nguyên tắc, tổ chức tín dụng có quyền tự quyết việc bảo lãnh một phần hay toàn bộ nghĩa vụ của khách hàng đối với bên có quyền. Các nghĩa vụ đó bao gồm:
1. Nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay và các chi phí khác có liên quan đến khoản vay.
2. Nghĩa vụ thanh toán tiền mua vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị và các khoản chi phí để khách hàng thực hiện các án hoặc phương án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hoặc dịch vụ đời sống.
3. Nghĩa vụ thanh toán các khoản thuế, các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước
4. Nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia dự thầu
5. Nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia quan hệ hợp đồng với bên nhận bảo lãnh, như thực hiện hợp đồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhận và hoàn trả tiền ứng trước.
6. Các nghĩa vụ khác do các bên thỏa thuận không vi phạm điều cấm cả pháp luật.
Tuy nhiên theo pháp luật hiện hành thì tổng số dư bảo lãnh của tổ chức tsn dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho tổ chức tín dụng.
2. Hình thức và nội dung của giao dịch bảo lãnh ngân hàng
* Về hình thức
Pháp luật quy định việc bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với khách hàng phải được lập thành văn bản, gồm các hình thức: hợp đồng bảo lãnh, thư bảo lãnh và các hình thức khác pháp luật không cấm phù hợp với thông lệ quốc tế. Các văn bản này có thể phải được công chứng, chứng thực nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
* Về nội dung
Nội dung của hợp đồng dịch vụ bảo lãnh và hợp đồng cam kết bảo lãnh phải đầy đủ, rõ ràng, và thông thường có những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên, đại chỉ của tổ chức tín dụng, khách hàng, bên nhận bảo lãnh.
2. Ngày phát hành bảo lãnh và số tiền bảo lãnh.
3. Hình thức và các điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
4. Thời hạn bảo lãnh.
5. Ngoài các nội dung nêu trên. cam kết bảo lãnh có thể có nội dung khác nhơ quyền và nghĩa vụ của các bên, giải quyết tranh chấp phát sinh, chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên và các thỏa thuận khác.