Em muốn hỏi là việc em giúp anh L bán hàng như vậy có phạm vào tội nào không? Em có thể lấy lại được khoản nợ 90 triệu từ anh L không? Hiện nay anh L đang bị tạm giam.
Tóm tắt câu hỏi:
Em hiện là nhân viên IT của một công ty sửa chữa máy tính. Em có quen anh L là trưởng phòng IT của một Công ty Công nghệ thông tin. Khoảng từ giữa đến cuối năm 2014, anh L có nhờ em sửa một số máy tính, anh L nói đó là máy tính của công ty bị hỏng không dùng được nên anh đã mua lại. Sau khi sửa xong anh L nhờ em bán hộ. Sau đó anh L còn nhờ em bán hộ một số tivi LG (31 cái chia làm nhiều đợt) và 15 máy tính, anh L nói rằng đó là do cuối năm các công ty không bán được hàng nên bán lại cho anh với giá rẻ. Sau khi bán hết số tivi thì được 186 triệu đồng, còn số máy tính được 90 triệu đồng. Em đã đưa hết tiền cho anh L, chỉ nhận 6 triệu tiền hoa hồng. Anh L trả nợ em 80 triệu đã vay trong thời gian quen biết, thực tế là anh L vay em 90 triệu đồng tất cả. Cho đến gần đây khi bị công an triệu tập em mới biết toàn bộ số máy tính và tivi anh L nhờ em bán hộ là do lạm dụng chức vụ ở Công ty mà có. Bởi trong quá trình vận chuyển số tivi và máy tính có rất nhiều nhân viên công ty anh L giúp, thái độ rất nhiệt tình vui vẻ nên em hoàn toàn tin tưởng, không nghi ngờ gì. Công an đã yêu cầu em trả lại toàn bộ 86 triệu để điều tra. Em muốn hỏi là việc em giúp anh L bán hàng như vậy có phạm vào tội nào không? Em có thể lấy lại được khoản nợ 90 triệu từ anh L không? Hiện nay anh L đang bị tạm giam.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo như bạn trình bày thì có thể cho rằng hành vi của bạn là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Với hành vi này, bạn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999, cụ thể như sau:
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp ;
c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn (có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng – Điều 4 Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC);
d) Thu lợi bất chính lớn (từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng);
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn (có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng);
b) Thu lợi bất chính rất lớn (từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng);
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn (có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên);
b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn (từ một trăm triệu đồng trở lên)
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.”
Theo Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN VKSNDTC-TANDTC, “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.
Về mặt chủ quan của tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có nhưng không có hứa hẹn, bàn bạc hoặc thỏa thuận trước với người có tài sản do phạm tội mà có.
Như vậy, nếu bạn biết rõ số tài sản đó là do phạm tội mà có mà vẫn mua bán và việc mua bán này không có sự hứa hẹn trước thì hành vi của bạn đã phạm vào Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự 1999 nói trên.
Ngược lại, nếu bạn biết số lượng tài sản trên do người khác phạm tội mà có và có sự hứa hẹn trước sẽ tiêu thụ và sử dụng hàng hóa nhằm củng cố thêm hành vi cho người thực hiện hành vi phạm tội thì hành vi của bạn sẽ được xác định là hành vi đồng phạm với vai trò là người giúp sức và sẽ bị xử lý theo quy định của các điều luật tương ứng.
Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra không chứng minh được việc bạn biết số tivi, máy tính mà bạn đã tiêu thụ giúp L là do L phạm tội, gian dối mà có thì có thể bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Về khoản nợ 90 triệu đồng, bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án cấp huyện nơi L có hộ khẩu thường trú để yêu cầu L thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nếu nơi L đang bị tạm giam trùng với nơi L có hộ khẩu thường trú thì Tòa án sẽ tiến hành giải quyết hai vụ án song song. Trong trường hợp nơi thường trú và nơi tạm giam khác nhau, Tòa án sẽ ủy thác đến Tòa án nơi L bị tạm giam để lấy ý kiến của L, áp dụng các biện pháp để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự sau đó tiến hành xét xử vắng mặt L.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.