Giá, phí dịch vụ sự nghiệp công? Danh mục dịch vụ sự nghiệp công?
Theo quy định của pháp luật về dịch vụ sự nghiệp công được hiểu là các dịch vụ được sử dụng trong các lĩnh vực hoạt động của nhà nước như giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế – dân số; văn hóa, thể thao và du lịch,….Đối với dịch vụ công sự nghiệp thì được chia ra làm hai loại đó là dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước và dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước được quy định chi tiết tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Luật sư
1. Giá, phí dịch vụ sự nghiệp công?
Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoặc dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí trong giá, phí, được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định về giá, phí dịch vụ sự nghiệp công như sau:
Giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, theo đó: chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp từ tiền lương.
Theo đó, lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trong đó đã tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá.
Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập: Trường hợp không thực hiện được lộ trình quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.
– Đối với dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.
– Phí dịch vụ sự nghiệp công
Dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục thu phí thực hiện theo quy định pháp luật về phí, lệ phí. Đơn vị sự nghiệp công được thu phí theo mức thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Về giá, phí dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được tính như sau:
+ Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước
Đơn vị sự nghiệp công được xác định giá dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy theo quy định của pháp luật đối với từng lĩnh vực;
Riêng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về giá.
Như vậy, đối với giá, phí sử dụng dịch vụ sự nghiệp công được tính theo hai trường hợp đó là dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước và dịch vụ công không sử dụng ngân sách nhà nước và chi phí dịch vụ được tính theo mức lương cơ sở hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương của các cán bộ công tác tại đơn vị.
2. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công?
Khái niệm dịch vụ sự nghiệp công?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định về khái niệm dịch vụ sự nghiệp nghiệp công là dịch vụ sự nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế – dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác (gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, tư pháp, lao động thương binh và xã hội, sự nghiệp khác).
Trong sử dụng dịch vụ công được chia ra làm 2 loại là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và không sử dụng ngân sách nhà nước.
Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được quy định tại 3 Nghị định 60/2021/NĐ-CP được hiểu là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu và dịch vụ sự nghiệp công mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thuộc danh mục do cấp có thẩm quyền ban hành, được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện.
Căn cứ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định về danh mục dịch vụ sự nghiệp nghiệp công như sau:
Cụ thể, theo Điều 4, ngân sách nhà nước chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế Cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Việc bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và lộ trình điều chỉnh
Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước gồm:
– Các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: Các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; nghiên cứu khoa học cơ bản; văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; chăm sóc người có công và bảo trợ xã hội và các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo các lĩnh vực quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là các bộ, cơ quan trung ương); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tiếp tục thực hiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành trong trường hợp danh mục hiện hành phù hợp với quy định tại điểm a khoản này; đồng thời, rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước gồm: Các bộ, cơ quan trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý; Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, gửi Bộ Tài chính và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giám sát trong quá trình thực hiện.
Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước là dịch vụ không thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước là đơn vị sự nghiệp công được tự chủ sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được cấp có thẩm quyền giao theo nguyên tắc được quyết định giá dịch vụ bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý; trường hợp dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì thực hiện theo mức giá cụ thể, khung giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Đơn vị sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước được tự chủ quyết định các khoản chi để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ; phải tổ chức công tác kế toán theo đúng quy định của pháp luật về kế toán; mở sổ sách kế toán, sử dụng, quản lý chứng từ, tổ chức hạch toán, theo dõi riêng đảm bảo ghi nhận đầy đủ, chính xác doanh thu và phân bổ đầy đủ, chính xác chi phí đối với từng hoạt động; phải đăng ký, kê khai, nộp đủ thuế và các khoản thu ngân sách khác (nếu có) theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
Theo đó, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm về hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai được Nhà nước giao quản lý, sử dụng; nguồn tài chính tại đơn vị theo quy định của pháp luật.