Quyền được xét xử công bằng được quy định như thế nào trong luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam?
Liên quan đến quyền này, trong pháp luật Việt Nam, tố tụng hình sự được thực hiện theo hai cấp xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia; khi xét xử hội thẩm ngang quyền với thẩm phán; toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Điều 16 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định: “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật”. Theo Điều 8 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002: “Toà án xét xử theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều 19 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 cũng quy định cụ thể về việc bảo đảm quyền bình đẳng trước toà án, theo đó: “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án”.
Về khía cạnh xét xử công khai, Điều 7 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 quy định: “Toà án xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ gìn bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của các đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ”. Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 cũng có quy định tương tự, theo đó: “Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.
Về nguyên tắc suy đoán vô tội, Điều 72 Hiến pháp 1992 quy định: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Nguyên tắc hiến định này được tái khẳng định trong Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, trong đó nêu rõ: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật”.
Về khía cạnh hồi tố, Điều 7 Bộ luật Hình sự 1999 nêu rõ: “Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”. Tuy nhiên, tương ứng với quy định tại Điều 15 ICCPR, pháp luật Việt Nam cho phép áp dụng hồi tố trong trường hợp việc đó có lợi cho người phạm tội.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Liên quan đến quyền được bào chữa, Điều 132 Hiến pháp 1992 khẳng định: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình”. Cụ thể hóa điều này của Hiến pháp, Điều 11 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định: “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này”. Theo Điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, người bào chữa có thể là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc bào chữa viên nhân dân. Theo Điều 57, những bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình hoặc bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc toà án phải yêu cầu đoàn luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay các tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa. Tuy nhiên, kể cả trong các trường hợp này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Mặc dù luật tố tụng hình sự Việt Nam không quy định thời hạn cụ thể cho việc chuẩn bị bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nhưng về mặt thời điểm, theo Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại các Điều 81 và 82 của Bộ luật này thì người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Điều 56 Bộ luật này cũng quy định: “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do”.