Ngày nay, không ít những nhà hảo tâm với mong muốn đóng góp một phần sức lực của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cũng như hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn. Vậy quỹ từ thiện là gì? Điều kiện và thủ tục thành lập quỹ từ thiện?
Mục lục bài viết
1. Quỹ từ thiện là gì?
Nghị định 93/2019/NĐ-CP có quy định về quỹ và quỹ từ thiện như sau:
Quỹ là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ, có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định tại Điều 3 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.
Quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Trong đó:
– Không vì mục tiêu lợi nhuận: Là lợi nhuận có được trong quá trình hoạt động không để phân chia mà chỉ dùng cho các hoạt động theo điều lệ của quỹ đã được công nhận.
– Tài sản: Là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
– Góp tài sản: Là việc chuyển quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức sang quỹ dưới hình thức hợp đồng, hiến, tặng, di chúc của người để lại tài sản hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật để làm tài sản của quỹ và thực hiện các mục đích theo quy định tại Điều 3 Nghị định 93/2019/NĐ-CP này.
2. Điều kiện thành lập quỹ từ thiện tại Việt Nam:
– Quỹ phải có mục đích hoạt động là nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.
– Có sáng lập viên thành lập quỹ bảo đảm điều kiện sau:
+ Sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân, tổ chức Việt Nam;
+ Đối với công dân: Có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích;
+ Đối với tổ chức: Được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ; trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam;
+ Đóng góp tài sản hợp pháp thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP;
+ Sáng lập viên thành lập quỹ nếu thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ trước khi gửi hồ sơ về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ.
+ Các sáng lập viên thành lập Ban sáng lập quỹ. Ban sáng lập quỹ phải có ít nhất 03 sáng lập viên, gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và ủy viên.
+ Ban sáng lập quỹ lập hồ sơ xin phép thành lập quỹ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 93/2019/NĐ-CP và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Ban sáng lập quỹ có trách nhiệm đề cử Hội đồng quản lý quỹ, xây dựng dự thảo điều lệ và các tài liệu trong hồ sơ thành lập quỹ.
– Ban sáng lập quỹ có đủ số tài sản đóng góp để thành lập quỹ cụ thể như sau:
+ Đối với quỹ do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:
a) Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 (sáu tỷ năm trăm triệu đồng);
b) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 (một tỷ ba trăm triệu đồng);
c) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 (một trăm ba mươi triệu đồng);
d) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng).
+ Đối với trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:
a) Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 8.700.000.000 (tám tỷ bảy trăm triệu đồng);
b) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 3.700.000.000 (ba tỷ bảy trăm triệu đồng);
c) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 1.200.000.000 (một tỷ hai trăm triệu đồng);
d) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 620.000.000 (sáu trăm hai mươi triệu đồng).
+ Tài sản đóng góp thành lập quỹ phải được chuyển quyền sở hữu cho quỹ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Tài sản đóng góp để thành lập quỹ không bị tranh chấp hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính khác.
– Hồ sơ thành lập quỹ đảm bảo:
+ Hồ sơ thành lập quỹ được lập thành 01 bộ và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Hồ sơ thành lập quỹ, gồm:
a) Đơn đề nghị thành lập quỹ;
b) Dự thảo điều lệ quỹ;
c) Bản cam kết đóng góp tài sản thành lập quỹ của các sáng lập viên, tài liệu chứng minh tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP;
d) Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của các thành viên Ban sáng lập quỹ và các tài liệu theo quy định tại Điều 11, Điều 12 hoặc Điều 13 Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Sáng lập viên thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;
đ) Văn bản bầu các chức danh Ban sáng lập quỹ;
e) Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của quỹ.
3. Thủ tục thành lập quỹ từ thiện tại Việt Nam:
- Đơn đề nghị thành lập;
- Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ từ thiện;
- Bản cam kết về việc khuyên góp của các thành viên sáng lập, giấy tờ và tài liệu cũ thể chứng minh tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định tại điều 14 Nghị định trên;
- Phải có bản sơ yếu lý lịch và phiếu lý lịch tư pháp của những thành viên thuộc Ban sáng lập và các tài liệu liên quan (quy định tại điều 11, điều 12 hoặc điều 13 Nghị định Nghị định 93/2019/NĐ-CP). Sáng lập viên thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;
- Văn bản bầu các thành viên trong Ban sáng lập với những chức danh cụ thể;
- Văn bản xác nhận nơi đặt trụ sở của tổ chức.