Đây là lối đi duy nhất để tôi qua sông, khởi kiện hộ đối diện vì không cho tôi bắt cầu ở vị trí mới là đúng hay sai?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư, tôi có một vụ việc nhờ luật sư tư vấn: nhà tôi không được nằm trên đường đi công cộng, mà phải qua 1 con sông nhỏ khoảng 10m. Để đến đường công cộng thì tôi phải đi nhờ trên 1 đoạn đường trên phần đất của hộ liền kề, rồi đến cầu ván nhỏ để qua sông. Gần đây chủ đất liền kề của tôi đã bán lại cho chủ mới, chủ mới đã đến gặp tôi và không cho bắt lại cây cầu cũ qua sông ở vị trí cũ nữa, tuy cây cầu này tôi dựng lên, nhưng nó nằm hoàn toàn trên đất của hộ liền kề. Vì trước đây có 1 cây cầu đó cho 3 hộ liền kề với tôi đi chung, nhưng giờ đây chủ đất mới này có ý không muốn tôi đi trên đất của họ nữa. nên tôi đã đến yêu cầu chủ hộ đối diện phía sông cho tôi được bắt cầu ở 1 vị trí thuận lợi hơn, và không ảnh hưởng đến bất kỳ ai nhưng họ không chấp nhận và nói sắp xây nhà cho con nên không cho bắt cầu, bảo tôi đi cầu cũ. Tôi thương lượng rất nhiều lần, chấp nhận bồi thường nhưng họ không đồng ý. Mới đây tôi đã làm đơn yêu cầu hòa giải nhưng không thành, vì chủ hộ đối diện không chấp nhận tôi bắt cầu ở vị trí mới, tôi chắc chằn rằng cầu ở vị trí mới hoàn toàn thuận tiện, không ảnh hưởng đến ai. Xin hỏi Luật sư khi tôi khởi kiện lên tòa thì tôi có được bắt cầu ở vị trí mới hay không ? Đây là lối đi duy nhất để tôi qua sông. khởi kiện hộ đối diện vì không cho tôi bắt cầu ở vị trí mới là đúng hay sai ? hiện tại tôi phải làm sao để có được lối đi riêng cho mình và không phải lệ thuộc người khác. Cám ơn luật sư?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại Bộ luật dân sự thì:
Điều 273. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề
Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác.
Điều 274. Xác lập quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề
1. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề được xác lập theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Trong trường hợp quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề đã được xác lập cho chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất thì người được chuyển giao nhà, quyền sử dụng đất cũng được hưởng quyền đó.
Điều 275. Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề
1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như sự việc của bạn trình bày, nếu lối đi này là lối đi duy nhất của gia đình bạn thì bạn có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản liền kế dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng, và người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Tuy nhiên, gia đình bạn cần phải đền bù cho người chủ sở hữu bất động sản liền kề đó và người chủ bất động sản liền kề được xem như nghĩa vụ thực hiện yêu cầu.
Mặt khác, đây là sự việc bạn yêu cầu bên người chủ sở hữu bất động sản liền kề đáp ứng cho mình, bản thân nó không hề bất cứ tranh chấp nào xảy ra cả. Theo quy định, trong tố tụng dân sự thì vụ việc dân sự gồm vụ án dân sự (giải quyết những tranh chấp phát sinh), việc dân sự (giải quyết yêu cầu phát sinh) Xuất phát từ nhu cầu của gia đình bạn, đây là việc dân sự phát sinh trong quá trình đi lại của nhà bạn. Như vậy, bạn không thể khởi kiện để giải quyết tranh chấp về lối đi mà chỉ có thể làm đơn yêu cầu để Tòa giải quyết sự việc của bạn thôi.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Thị Hồng Vân