Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 BLTTHS 2003 thì: “bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 BLTTHS 2003 thì: “bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử”. Bị cáo tham gia tố tụng kể từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Và khái niệm bị cáo không đồng nghĩa với khái niệm chủ thể của tội phạm. Bị cáo cũng không phải là người có tội. Họ chỉ trở thành người có tội nếu sau khi xét xử họ bị Tòa án ra bản án kết tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Các quyền riêng của bị cáo đó là:
Quyền được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử: là một quyền quan trọng của bị cáo. Dựa vào nội dung của quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị cáo biết được tội danh họ bị đưa ra xét xử, thời gian, địa điểm mở phiên tòa, tên của người tham gia tiến hành tố tụng, vật chứng cần xem xét tại tòa … Trên cơ sở đó họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, bị cáo cũng có quyền nhận các quyết định khác có liên quan đến đến quyền và nghĩa vụ của bị cáo như: quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này . Các quyết định này là căn cứ pháp lý để bị cáo thực hiện các quyền và nghĩa vụ có liên quan đến quyết định đó.
Quyền được tham gia phiên tòa: đây không những là quyền mà còn là vấn đề có tính nguyên tắc. Chính tại phiên toà, quyền bình đẳng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng được thể hiện rõ nhất. Có thể nói, quyền tham gia phiên toà của bị cáo và quyền bình đẳng trước phiên toà trong việc đưa ra các chứng cứ, yêu cầu và tranh luận giữa kiểm sát viên với những người tham gia tố tụng, trong đó có bị cáo là hai mặt của một vấn đề. Nếu không thực hiện đúng quy định bình đẳng này thì việc quy định quyền tham gia phiên toà của bị cáo cũng chỉ mang tính hình thức.
Quyền trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa: quyền này thể hiện sự dân chủ, công bằng của pháp luật TTHS. Theo đó bị cáo có quyền thể hiện quan điểm của mình trước tòa, đưa ra các ý kiến, những lập luận của mình và đối đáp với những ý kiến không thống nhất của các chủ thể khác, nhằm làm sáng tỏ vấn đề từ đó việc xét xử trở nên khách quan, thuyết phục và đạt được mục đích xét xử.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Quyền nói lời sau cùng trước khi nghị án: Sau khi Hội đồng xét xử kết thúc tranh hỏi và tranh luận, bị cáo được quyền nói lời sau cùng trước khi nghị án. Pháp luật quy định quyền này là để tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội được bày tỏ thái độ và nguyện vọng của mình trước khi Hội đồng xét xử đưa ra những quyết định đối với vụ án. Để bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền được nói lời sau cùng trước khi nghị án, BLTTHS quy định tại Điều 220 với nội dung không hạn chế thời gian đối với bị cáo khi họ trình bày những lời cuối cùng trước khi Toà án nghị án để phán quyết đối với họ. Không được đặt câu hỏi đối với họ. Nếu họ trình bày thêm những tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại phần xét hỏi
Quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án: kháng cáo là quyền chống lại bản án và quyết định của Tòa án, yêu cầu được xét xử lại. Bị cáo có quyền kháng cáo bản án và các quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ vụ án chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Khi kháng cáo của bị cáo là hợp lệ, Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét và giải quyết quyền kháng cáo của bị cáo. Để bị cáo có thể yên tam thực hiện quyền kháng cáo mà không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng nào khác thì Tòa án phúc thẩm không có quyền sửa án theo hướng bất lợi hơn cho bị cáo.