Tôi có vay bạn tiền để làm ăn và thế chấp sổ đỏ. Vậy luật sư cho tôi hỏi hợp đồng vay tiền và thế chấp sổ đỏ của tôi có hiệu lực không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có vay tiền 1 người bạn để làm ăn, hai bên có làm giấy vay tiền, nhưng chỉ viết tay, không có công chứng. Sau khi vay tiền, bạn tôi bắt tôi phải thế chấp sổ đỏ để đảm bảo tôi sẽ trả tiền, nếu tôi không trả tiền thì sổ đỏ sẽ thuộc về bạn tôi. Sau này khi tôi trả tiền, tôi chỉ lấy lại sổ đỏ mà không lấy lại giấy vay hai bên đã ký kết do tin tưởng lẫn nhau, lúc tôi trả tiền có cả người bạn của tôi đi cùng làm chứng. Nhưng sau đó bạn tôi đã dùng giấy vay tiền đó nói rằng tôi chưa trả tiền và yêu cầu tôi phải trả lại sổ đỏ đó cho anh ta.
Vậy luật sư cho tôi hỏi giấy tờ thế chấp sổ đỏ đó của tôi có hiệu lực không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Về hợp đồng vay tiền:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 471 Bộ luật Dân sự). Pháp luật không quy định hợp đồng vay tiền phải được giao kết bằng một hình thức nhất định nên hợp đồng này được thực hiện theo quy định chung về hình thức của hợp đồng dân sự: hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể (Điều 401 Bộ luật Dân sự). Bạn và bên vay đã lập hợp đồng vay tiền, có chữ ký của hai bên nên hợp đồng này phù hợp với quy định của pháp luật về hình thức và có thể làm căn cứ để xác định nghĩa vụ của bên vay như đã nêu ở phần trên.
* Về việc thế chấp tài sản để đảm bảo cho khoản vay: Pháp luật cho phép cá nhân, hộ gia đình sử dụng quyền sử dụng đất không phải là đất thuê để thế chấp tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế hoặc cá nhân để vay vốn sản xuất, kinh doanh. Việc thế chấp của bạn và bên vay bằng quyền sử dụng đất phải đáp ứng những điều kiện dưới đây:
>>> Luật sư
– Điều kiện về quyền sử dụng đất thế chấp:
+ Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Đất không có tranh chấp;
+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
+ Trong thời hạn sử dụng đất.
– Điều kiện về chủ thể ký hợp đồng: Tất cả những người được ghi nhận là chủ sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Điều kiện về hình thức hợp đồng thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai 2013: Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Sau khi công chứng, chứng thực, các bên phải đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký đất và nhà nơi có bất động sản. Theo như bạn cung cấp thông tin thì hợp đồng thế chấp của hai bên chỉ lập văn bản có chữ ký, chứ chưa làm thủ tục công chứng, chứng thực cũng như đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Như vậy, hợp đồng thế chấp của bạn chưa có hiệu lực pháp luật và chưa đúng quy định của pháp luật về mặt hình thức.