Nội dung của di chúc là một trong những căn cứ để xét đến tính hợp pháp của di chúc. "Bộ luật dân sự năm 2015" quy định: "Nội dung di chúc không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
1. Nội dung của di chúc chung của vợ, chồng
Nội dung của di chúc là một trong những căn cứ để xét đến tính hợp pháp của di chúc. “Bộ luật dân sự năm 2015” quy định: “Nội dung di chúc không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Nội dung của di chúc chung là tổng hợp các vấn đề mà vợ, chồng thống nhất ý kiến về việc định đoạt khối tài sản chung. Vì vậy một di chúc chung chỉ được coi là hợp pháp nếu sự thể hiện trên không vi phạm những điều pháp luật cấm, không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội. Hiểu một cách chung nhất thì đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng trong một xã hội nhất định. Còn pháp luật là sự điều chỉnh hành vi mang tính chất bắt buộc, có những yêu cầu tối thiểu, được quy định bằng văn bàn của Nhà nước, buộc các cá nhân và tổ chức phải tuân theo để giữ cho xã hội ổn định. Như vậy, nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội là không được vi phạm các quy tắc xử sự chung mà pháp luật và đạo đức đã quy định.
Ngoài ra, nội dung của di chúc chung của vợ, chồng còn phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 653 “Bộ luật dân sự năm 2015”
Để bản di chúc chung có hiệu lực pháp luật, nội dung của di chúc bằng văn bản phải đầy đủ các yếu tố sau:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc
Đây là 1 thủ tục đơn thuần nhưng hết sức quan trọng về mặt nội dung, có ý nghĩa thiết thực trong việc xác định thời điểm lập di chúc, di chúc nào có trước, di chúc nào có sau, thời điểm lập di chúc là căn cứ để xác định hiệu lực pháp luật của bản di chúc; khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với tài sản thì chỉ có bản di chúc sau có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra ngày, tháng, năm lập di chúc còn là mốc thời gian để xác định di chúc đó có bị coi là vi phạm các quy định củ pháp luật hiện hành vào thời điểm mà di chúc được lập hay không.
- Họ, tên và nơi cư trư trú cử hai vợ chồng:
Vì di chúc là ý chí của một bên chủ thể trong giao dịch dân sự đơn phương nên trong di chúc cần phải xác định rõ họ, tên của những người lập di chúc có ý chí đó. Hơn nữa, di chúc chung của vợ, chồng là di chúc do cả hai vợ chồng cùng thống nhất lập ra để định đoạt khối tài sản chung của mình vì vậy cần phải có đầy đủ họ tên của cả vợ và chồng thì mới thể hiện được đây là di chúc chung di vợ, chồng cùng lập. Mặt khác, địa điểm mở thừa kế, nơi đăng kí từ chối nhận di sản, thẩm quyền giải quyết cử toà án khi có tranh chấp đều được xác định thông qua nơi cư trú của người lập di chúc.
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ
các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản:
Pháp luật quy định người thừa kế có thể là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức. Nếu là cá nhân thì cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Trong di chúc, vợ và chồng phải ghi rõ đối tượng được hưởng di sản cũng như các điều kiện để đối tượng được hưởng di sản.
- Di sản để lại và nơi có di sản:
Khi lập di chúc, vợ, chồng chỉ được định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình cho những người thừa kế. Vì vậy, việc ghi rõ tài sản trong di chúc nhằm qua đó để xác định người lập di chúc có những tài sản gì, những tài sản đó được phân định như thế nào.
- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ:
Vợ chồng có thể chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và phải chỉ rõ nghĩa vụ phải thực hiện. Về nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.
>>> Luật sư
2. Hình thức của di chúc chung của vợ, chồng
“Bộ luật dân sự năm 2015” cũng không có điều luật cụ thể quy định hình thức của di chúc chung của vợ, chồng nhưng dẫn chiếu tới điều 649 “Bộ luật dân sự năm 2015”: ” Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được thành văn bản thì có thể di chúc miệng. Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình”. Di chúc bằng văn bản được quy định tại điều 650 “Bộ luật dân sự năm 2015” quy định: “Di chúc bằng văn bản bao gồm: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực”. Như vậy, di chúc có thể được lập bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Tuy nhiên dù di chúc được lập theo hình thức nào nó cũng tuân theo những quy định cụ thể của pháp luật.