Thế nào là hình phạt tử hình? hình phạt này được quy định như thế nào trong Bộ luật hình sự?
Tử hình là hình phạt tước bỏ quyền sống của người phạm tội nên nó chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và cũng chỉ được áp dụng trong trường hợp đặc biệt
Hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự:
“Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.”
Hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt nước ta, chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không phải bất cứ người nào phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đều bị phạt tử hình mà chỉ áp dụng hình phạt tử hình với những người gây tội ác rất lớn… khi cân nhắc giữa hình phạt tù chung thân và hình phạt tử hình mà thấy còn boăn khoăn thì cương quyết không áp dụng hình phạt tù chung than. Tòa án phải xem xét, đánh giá thật toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án, khi không còn khả năng nào khác thì mới áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội.
Án tử hình không được thi hành đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này thì hình phạt tử hình chuyển thành thù chung thân. Đây là quy định xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện nguyên tắc xử lý và chính sách hình sự Nhà nước ta đối với người chưa thành niên, đối với phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con nhỏ
Về thủ tục thi hành án tử hình được quy định như sau:
Bước 1: Xác định đã có đủ điều kiện để thi hành hình phạt tử hình hay chưa.
Trước tiên, cần xem xét có kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC hay Chánh án TANDTC hay không. Nếu người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm thì phải xem xét có quyết định chấp nhận đơn hay bác đơn của Chủ tịch nước hay chưa.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Bước 2: Ra quyết định thi hành án, thành lập hội đồng thi hành hình phạt tử hình.
Sau khi Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước và bị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm, Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình gồm: Chánh án hoặc phó Chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành tử hình (Chủ tịch hội đồng) và các thành viên là đại diện của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. (Điều 55 Luật thi hành án hình sự 2010 ). Quyết định thành lập hội đồng thi hành án tử hình phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định, họ tên, chức vụ người ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ của người tham gia hội đồng.
Bước 3: Kiểm tra điều kiện áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành hình phạt tử hình. Theo đó, cần kiểm tra xem người bị kết án tử hình có rơi vào một trong các trường hợp thuộc Điều 35 Bộ luật hình sự hay không. Nếu phát hiện người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự, thì Hội đồng thi hành án phải hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.
Bước 4: Kiểm tra căn cước.
Để đề phòng trường hợp thi hành án nhầm đối tượng, trước khi thi hành hình phạt tử hình thì cần kiểm tra căn cước của người bị kết án. Cụ thể sẽ lấy dấu vân tay và so sánh với tàng thư căn cước của đối tượng. Nếu phù hợp thì mới được thi hành hình phạt tử hình.
Bước 5: Đọc các quyết định không kháng nghị, quyết định bác đơn xin ân giảm và thi hành án tử hình.
Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình công bố quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Chủ tịch nước quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình.
Ngay sau khi Chủ tịch Hội đồng thi hành án công bố quyết định, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp có nhiệm vụ giao các quyết định trên cho người chấp hành án để người đó tự đọc.
Theo khoản 2 Điều 259 BLTTHS : “Trước khi thi hành án, phải giao cho người bị kết án đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người bị kết án đã có đơn xin ân giảm tử hình thì giao cho họ đọc bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm”
Trường hợp người chấp hành án không biết chữ, không biết Tiếng Việt hoặc không tự mình đọc được thì Hội đồng thi hành án tử hình chỉ định người đọc hoặc phiên dịch các quyết định trên cho người đó nghe. Quá trình công bố và đọc các quyết định phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm và lưu vào hồ sơ.